Tag

Đề xuất thí điểm Viện KSND được khởi kiện án dân sự công ích

Muôn mặt cuộc sống 19/05/2025 17:54
aa
TTTĐ - Chiều 19/5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân (KSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Khách hàng khởi kiện Bệnh viện Tâm Anh vì lý do "bất ngờ" Tập đoàn Đức Long Gia Lai khởi kiện Công ty Lilama 45.3

Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người dân tộc thiểu số) và bảo vệ lợi ích công là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Tuy nhiên về trách nhiệm, vai trò khởi kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiệu quả; còn xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa rõ chủ thể được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu khởi kiện.

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là pháp luật chưa quy định cụ thể cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện, Viện kiểm sát nhân dân chưa được thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự.

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy, Viện kiểm sát/Viện công tố thông qua cơ chế khởi kiện vụ việc dân sự bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổng thương rất hiệu quả.

“Do vậy, cùng với các cơ chế hiện có, Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị đã giao cho Viện KSND tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9”, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ.

Đề xuất thí điểm Viện KSND 6 địa phương được khởi kiện án dân sự công ích
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến (Ảnh: Quang Khánh)

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 19 Điều, trong đó quy định Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và việc bảo đảm quyền khởi kiện của Viện KSND.

Cụ thể, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Viện KSND trong việc tiếp nhận, thu thập, thụ lý thông tin về vi phạm; các biện pháp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh vi phạm; thông báo cho các chủ thể có liên quan; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện.

Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với Viện KSND để bảo đảm thực hiện quyền khởi kiện của Viện KSND; trách nhiệm của các tổ chức giám định tư pháp, định giá… hỗ trợ Viện KSND trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh vi phạm và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật trong việc trả lời cho Viện KSND về việc thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện; quy định trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Viện KSND hỗ trợ khởi kiện khi có đề nghị; quy định về các trường hợp Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Cũng theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, dự thảo Nghị quyết quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự công ích.

Theo đó, việc khởi kiện và giải quyết vụ án dân sự công ích được thực hiện theo Nghị quyết này; trường hợp Nghị quyết này không quy định thì áp dụng quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định về thẩm quyền xét xử vụ án dân sự công ích; trách nhiệm của Toà án nhân dân trong việc thụ lý vụ án dân sự công ích; quy định những điểm đặc thù về thủ tục tố tụng trong các vụ án dân sự công ích khác với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường gồm:

Đồng thời quy định về quyền phản tố của bị đơn theo hướng trong vụ án dân sự Viện KSND khởi kiện để bảo vệ lợi ích công, thì bị đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố; quy định về nguyên tắc tiến hành hoà giải trong các vụ án dân sự công ích.

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thí điểm trong 3 năm, tại 6 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk). Viện KSND tối cao sẽ tổ chức, bố trí, sắp xếp sử dụng nguồn lực hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế và tổ chức bộ máy mới.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi; cơ bản thống nhất với các luật có liên quan.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhất trí thời điểm dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các luật cùng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại kỳ họp thứ 9.

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, còn một số nội dung của dự thảo Nghị quyết chưa rõ, thiếu cụ thể hoặc còn có ý kiến khác nhau cần được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, bổ sung hoặc làm rõ thêm như sau:

Quy định về phạm vi điều chỉnh đối với nhóm dễ bị tổn thương tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết là“Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật” còn quá rộng, chưa bảo đảm sự thống nhất trong chính sách hỗ trợ pháp lý cho cùng đối tượng được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý; quy định về lợi ích công gồm “tài sản công, đầu tư công” tại điểm a và “đất đai”, “tài nguyên khác” tại điểm b khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết còn chung chung, chưa thật rõ lợi ích công trực tiếp cần được bảo vệ trong vụ án dân sự công ích, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất.

Quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết về đối tượng áp dụng là cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thuộc Viện KSND và TAND chưa cụ thể, rõ ràng, dễ dẫn đến những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Dự thảo Nghị quyết chưa phân định rõ vai trò của Viện KSND với tư cách là nguyên đơn” với vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án dân sự công ích; chưa quy định rõ tư cách pháp lý của Viện KSND trong khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo đảm chặt chẽ, thống nhất trong việc áp dụng, giải quyết vụ án.

Về các trường hợp VKSND khởi kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu rõ: “Để tránh tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, phân loại hành vi trước khi khởi kiện; đồng thời bổ sung nguyên tắc nhằm tránh việc dân sự hóa quan hệ hình sự, hành chính; làm rõ thêm căn cứ, điều kiện và phạm vi khởi kiện của Viện KSND để tránh lạm quyền hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác”.

Về thẩm quyền khởi kiện, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định tách bạch thẩm quyền của Viện KSND mỗi cấp trong việc khởi kiện vụ án dân sự công ích; đồng thời hạn chế trường hợp Viện KSND tối cao khởi kiện để cơ quan này tập trung chỉ đạo thực hiện và tổng kết thí điểm.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND và các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, để phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của việc thí điểm, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, chỉ nên giao thẩm quyền cho Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự công ích (nguyên đơn đặc thù) và quá trình tố tụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tung dân sự.

Về tiếp nhận thông tin, thụ lý, kiểm tra, xác minh và đình chỉ việc kiểm tra, xác minh, cần quy định để Viện KSND làm rõ hành vi vi phạm qua hoạt động kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc tiến hành hòa giải, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tung dân sự và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là (chỉ) không tiến hành hòa giải đối với vụ án liên quan đến lợi ích của Nhà nước.

Đọc thêm

Hà Nội quan tâm, hỗ trợ Lâm Đồng trên tất cả mọi lĩnh vực Muôn mặt cuộc sống

Hà Nội quan tâm, hỗ trợ Lâm Đồng trên tất cả mọi lĩnh vực

TTTĐ - Với quan điểm của các thế hệ lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn coi huyện Lâm Hà là một quận huyện ruột thịt của thành phố Hà Nội. Vì vậy, cán bộ và Nhân dân, nhất là các đồng chí lãnh đạo các quận, huyện và thành phố Hà Nội luôn quan tâm hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực.
Điện lực Đồng Nai: Hoàn thành đầu tư, nâng cấp trạm biến áp 110kV Gò Dầu Nhịp sống phương Nam

Điện lực Đồng Nai: Hoàn thành đầu tư, nâng cấp trạm biến áp 110kV Gò Dầu

TTTĐ - Ngày 19/5, Công ty Điện lực Đồng Nai đã nghiệm thu, đóng điện thành công các hạng mục nâng cấp thiết bị trạm biến áp (TBA) 110kV Gò Dầu, thuộc công trình “Đầu tư nâng cấp thiết bị TBA 110kV Gò Dầu".
Bình Dương xây dựng Khu lưu niệm tri ân cụ Nguyễn Sinh Sắc Muôn mặt cuộc sống

Bình Dương xây dựng Khu lưu niệm tri ân cụ Nguyễn Sinh Sắc

TTTĐ - Hòa chung không khí kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ khởi công dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào ngày 19/5.
Nghệ An: Đại kỳ 2.025m2 tung bay kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác Muôn mặt cuộc sống

Nghệ An: Đại kỳ 2.025m2 tung bay kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác

TTTĐ - Sáng 19/5, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh), tỉnh Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ chào cờ và bay Đại kỳ Tổ quốc, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).
Đà Nẵng: Trao 200 suất quà cho thanh niên công nhân khó khăn Xã hội

Đà Nẵng: Trao 200 suất quà cho thanh niên công nhân khó khăn

TTTĐ - Tại đêm nhạc “Thanh niên công nhân - Lan tỏa năng lượng tích cực” năm 2025, Ban Tổ chức đã trao tặng 10 quạt hơi nước và 200 suất quà cho thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hoa tưởng nhớ Bác Muôn mặt cuộc sống

Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hoa tưởng nhớ Bác

TTTĐ - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 19/5, đoàn đại biểu lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ, Quận 1).
Trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt" Muôn mặt cuộc sống

Trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt"

TTTĐ - Tối 18/5, Báo Người Lao động đã tổng kết chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần 3 năm 2025 sau 2 ngày diễn ra sôi nổi. Đồng thời, Ban Tổ chức cũng trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt" lần thứ 2.
Agribank Quảng Ninh trao tặng xe điện cho quân, dân đảo Trần Xã hội

Agribank Quảng Ninh trao tặng xe điện cho quân, dân đảo Trần

TTTĐ - Agribank Quảng Ninh vừa trao tặng 2 xe điện trị giá 735 triệu đồng phục vụ công tác hậu cần và nhiệm vụ chiến đấu cho đơn vị Đồn Biên phòng đảo Trần và Tiểu đoàn đảo Trần đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Quảng Ninh tổ chức hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Muôn mặt cuộc sống

Quảng Ninh tổ chức hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng

TTTĐ - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Bảo tàng Báo chí Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Tọa đàm “Người làm báo Quảng Ninh học tập và làm theo phong cách làm báo Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới” và Triển lãm “100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Bình Định xóa 4.411 nhà tạm, nhà dột nát vượt tiến độ 7 tháng Xã hội

Bình Định xóa 4.411 nhà tạm, nhà dột nát vượt tiến độ 7 tháng

TTTĐ - Tỉnh Bình Định đã xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng 4.411 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đạt 100% kế hoạch đề ra, vượt tiến độ 7 tháng.
Xem thêm