Xây dựng các mục tiêu, giải pháp phù hợp với thực tiễn Thủ đô
Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng sinh nhật Bác |
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc họp. Ảnh: Quang Thái |
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Tổ trưởng Tổ Biên tập tổng hợp và xây dựng Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố cùng các thành viên Tổ Biên tập.
Tiếp tục cập nhật chủ trương mới của Trung ương
Báo cáo việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo lần 3 Báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố cho biết, bộ phận biên tập đã nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 21 ngày 21/1/2025 để hoàn thiện dự thảo lần 3. Theo đó, dự thảo báo cáo đã cập nhật, tiếp thu tinh thần chỉ đạo mới của Trung ương liên quan đến các chủ trương lớn, như: Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, Kết luận số 127-KL/TƯ, Kết luận số 128-KL/TƯ của Bộ Chính trị về sắp xếp tinh gọn bộ máy; tăng trưởng kinh tế hai con số; Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Kế hoạch chuyển đổi số trong cơ quan Đảng theo Quyết định số 204-QĐ/TƯ, ngày 29/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng; Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân...
Đặc biệt, dự thảo báo cáo đã tiếp thu tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Về dung lượng dự thảo Báo cáo chính trị, Tổ Biên tập đã biên tập, cô đọng, súc tích, rút gọn còn 39 trang (giảm 36 trang so với dự thảo lần 2), bảo đảm yêu cầu nội dung. Trong đó, phần nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã tập trung đánh giá khái quát kết quả nổi bật Đảng bộ Thủ đô đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025 trên tinh thần có tính khái quát cao, cô đọng, súc tích, thể hiện được những điểm nhấn; phân tích nguyên nhân kết quả đạt được và những hạn chế; bài học kinh nghiệm...
Đối với phần quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp trọng tâm, trong dự thảo báo cáo đã quán triệt kịp thời, đầy đủ, sáng tạo, với quyết tâm cao triển khai, hiện thực hóa tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về phương hướng thời gian tới. Cụ thể là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị; đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; chuyển đổi số; về các giải pháp tăng trưởng kinh tế 2 con số; hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp...
Cùng với đó, dự thảo báo cáo đã bổ sung các quan điểm nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm dẫn dắt của Thủ đô trong kỷ nguyên mới của dân tộc để hướng tới mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Tổ Biên tập đã tập trung góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo Chính trị theo hướng cập nhật chủ trương mới của Trung ương và các vấn đề thực tiễn đặt ra trên địa bàn thành phố.
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho rằng, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị cần lưu ý thêm phần rút ra những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua... Về phần chỉ tiêu, nhiệm vụ trong dự thảo báo cáo đã thể hiện quyết tâm rất cao của thành phố; tuy nhiên dự thảo cần tiếp tục cập nhật chủ trương mới của Trung ương, đặc biệt là 4 nghị quyết được coi là “bốn trụ cột”: Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân. Với “bốn trụ cột” này, cần nghiên cứu xây dựng được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn Thủ đô.
Bảo đảm tính đặc trưng, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, tình hình hiện nay đang có những thay đổi rất nhanh, do đó, việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị cần tiếp tục tiếp thu tinh thần chỉ đạo mới của Trung ương Đảng và căn cứ vào thực tiễn của Thủ đô cùng xu thế của thế giới.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận cuộc họp. Ảnh: Quang Thái |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu, dự thảo Báo cáo chính trị cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, nhằm mục đích phục vụ không chỉ trong nội bộ của Đảng bộ thành phố mà cho toàn xã hội, làm sao để doanh nghiệp, người dân thấy trong đó phải làm gì và được thụ hưởng những gì.
Về chủ đề của Báo cáo chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu để cập nhật chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Chủ đề cần bảo đảm tính hiệu triệu, đặc trưng và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.
Đồng tình với kết cấu của dự thảo Báo cáo Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Phong chỉ rõ, nội dung các phần cần khái quát hơn; đặc biệt các bài học kinh nghiệm nêu trong dự thảo cần tiếp tục biên tập cô đọng, ngắn gọn.
Về phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu, phần dự báo tình hình cần sâu hơn; đồng thời, cập nhật các quan điểm mới đầy đủ, tiếp cận trên tinh thần nguyên gốc. Trong đó, phần mục tiêu tổng quát cần nhấn mạnh hơn vai trò của Thủ đô đối với cả nước, tiến tới thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực và là thành phố kết nối toàn cầu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, từ ngữ bảo đảm tính toàn diện, thể hiện thông điệp rõ ràng, trực tiếp về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Báo cáo chính trị. Đặc biệt, cách đặt vấn đề để xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... cần mạch lạc, mang tầm vóc của Thủ đô Hà Nội.
Các thành viên trong Tổ Biên tập cần làm việc trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, bảo đảm yêu cầu kế hoạch, lộ trình đặt ra, qua đó xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố có nội dung súc tích, chất lượng và toàn diện nhất.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội dành nguồn đầu tư rất lớn cho giáo dục và đào tạo

Không chỉ miễn học phí, người dân kỳ vọng trường lớp phải tốt hơn

Năm 2025, quyết tâm cơ bản hoàn thành tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế

Không để miễn học phí nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác

Vì sao vẫn giữ thanh tra Công an, Quân đội, Ngân hàng?

Thanh tra mà rầm rộ thông tin thì rất khó bắt quả tang

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật với nhiều nội dung quan trọng

Quy định rõ việc cán bộ, công chức thuê, mua nhà ở xã hội

Đề xuất cấp xã tự quyết định khu vực bỏ phiếu bầu cử
