Biến rác thải thành điện: Giải bài toán khủng hoảng ô nhiễm rác
Tuyên truyền “cưới, tang văn minh” và chống rác thải nhựa Sớm xử lý tình trạng quá tải tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn |
![]() |
Nhà máy điện rác Nam Sơn, Hà Nội |
Dự báo rác thải đô thị tiếp tục gia tăng
Tại hội thảo trực tuyến “Cơ hội đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải tại Việt Nam” diễn ra mới đây, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam nhận định, tốc độ gia tăng rác thải hàng năm tại Việt Nam là từ 10-12%. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 858 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa là 39,3%, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm khoảng 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 34.500 tấn mỗi ngày; rác thải nông thôn phát sinh chiếm khoảng hơn 14.000 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 40-45%.
“Điều đáng nói là với tốc độ phát triển hiện nay, sắp tới, lượng rác thải nông thôn sẽ giảm xuống do đô thị hóa. Vì thế, rác thải đô thị sẽ tiếp tục gia tăng”, ông Dũng cảnh báo.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến sẽ thải ra 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2030 và có đến 60 - 70% lượng rác thải sau khi thu gom sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp ở những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Tại Hà Nội, theo thống kê, mỗi ngày bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây) tiếp nhận khoảng 1.200 tấn rác từ Hà Nội. Cuối năm 2019, TP Hà Nội đã quyết định hợp nhất các ô chôn lấp. Do không thể mở rộng được về quy mô nên Hà Nội đã phải nâng chiều cao của bãi rác này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc nâng cấp này cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi toàn bộ khu vực cũng chỉ có thể tiếp nhận rác đến tháng 5/2021 là quá tải.
Điều đáng nói hơn nữa là, trong khi rác tại các đô thị ngày càng tăng thì công nghệ xử lý rác hiện nay chủ yếu là chôn lấp, chiếm rất nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác. Thực tế này đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác xử lý và đảm bảo an toàn chất lượng môi trường sống cho người dân.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, TP Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%; TP HCM mỗi ngày có gần 10.000 tấn rác thải, tỷ lệ chôn lấp là khoảng 70%; TP Đà Nẵng bình quân một ngày 1.100 tấn rác, chưa kể rác thải y tế, công nghiệp.
Lời giải bài toán ô nhiễm rác thải
Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt của cả nước khoảng 24,5 triệu tấn. Trong số đó, chỉ 1% số rác thải được sử dụng để phát điện; 27% được xử lý làm phân bón, biogas. Số 72% lượng rác thải còn lại từng giờ gây ô nhiễm môi trường. Đốt rác phát điện theo đánh giá của các chuyên gia đang là công nghệ tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước phát triển như khối các nước Châu Âu, Nhật Bản… bởi vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại có thể thu hồi năng lượng.
Tuy nhiên, việc phát triển điện rác vẫn còn nhiều rào cản. GS. TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho hay, hiện nay công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tiên tiến và nhiều ưu điểm, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, nhất là việc chôn lấp rác thải đang có nhiều khó khăn.
Tiềm năng rác thải có thể sản xuất thành điện ở Việt Nam là rất lớn. Việc chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, như cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch và có giá trị hợp lý, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm rác thải rắn, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như có thể giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp... Các dự án PECC1 đã thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật bao gồm: Điện rác Sóc Sơn, điện rác Phú Thọ, điện rác VIETSTAR, điện rác Thanh Hóa, điện rác Thái Bình, điện rác Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế Thái Nguyên.
TPHCM đã khởi công 4 dự án: Nhà máy Xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Nhà máy Xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày của Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu; Cụm nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết, hiện trung bình mỗi ngày TP HCM phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày. Thành phố còn phải tiếp nhận thêm 4.000 tấn chất thải công nghiệp, 350 - 400 tấn chất thải nguy hại. Do đó, việc triển khai các nhà máy xử lý chất thải đồng bộ theo hướng áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, biến rác thành điện sẽ góp phần giảm nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác của các bãi chôn lấp rác thải, khi quỹ đất đang thiếu.
![]() |
Rác thải đang là vấn đề nóng tại nhiều đô thị |
Đốt rác phát điện có thuận lợi nhưng cũng có thách thức: Chúng ta giải quyết khối lượng quy mô rác thải có đủ công suất và giải quyết vấn đề nhiệt trị do rác thải ẩm. Do vậy phải có công nghệ ép rác. Thứ hai, là chi phí đầu tư cho công nghệ này đắt. Với chi phí ít nhất 40 triệu USD cho 300.000 tấn rác/năm, liệu phi phí này có phù hợp với điều kiện kinh tế của các địa phương hay không?
"Hiện nay, nguồn đầu ra của năng lượng cần phải có chính sách của nhà nước và địa phương ưu đãi, liên kết với hệ thống cung cấp và giá thành điện rác. Công nghệ cần phải có chính sách đồng bộ từ cấp chính phủ địa phương và các nhà đầu tư...", GS. TS Nguyễn Hữu Dũng nói.
Thực tế, hiện nay, một số tỉnh thành đã áp dụng mô hình đốt rác phát điện. Tuy nhiên, hầu hết công nghệ điện rác đang áp dụng đã lạc hậu, các nước châu Âu đã không dùng từ hàng chục năm trước. Do đó, việc lựa chọn công nghệ đốt rác như thế nào để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chi phí đang được các chuyên gia và các nhà quản lý đặt ra hiện nay.
Bên cạnh đó, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, doanh nghiệp cũng còn gặp không ít rào cản về chính sách dù vốn và công nghệ đã sẵn sàng.
Tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, có các quy định hỗ trợ về giá mua điện nhưng các dự án xử lý chất thải phải theo quy hoạch ngành điện; khiến nhiều dự án gặp khó khăn do chờ quy hoạch này của ngành Điện.
Cũng liên quan đến giá mua điện cho các dự án điện rác tại Quyết định này, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ ra rằng, giá mua điện mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp và đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Hiện tại, có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như: khí hóa phát điện, đốt phát điện, lên men tạo khí Biogas phát điện… nhưng giá mua điện chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư.
Công nghệ biến CTRSH thành điện đang áp dụng ở nước ta (kể cả các công nghệ có xuất xứ từ nước ngoài) ngày càng đa dạng nhưng hiệu quả thực tế chưa được đánh giá một cách đầy đủ, khách quan. Một số công nghệ trong nước khi nghiên cứu áp dụng bước đầu đã đem lại hiệu quả nhưng khi triển khai ứng dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn để nhân rộng; một số phát sinh thứ cấp cần phải xử lý nhưng chưa đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trong khi đó, công nghệ nước ngoài khi sử dụng tại Việt Nam gặp khó khăn do phần lớn CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, điều kiện nhiệt đới, lượng chất thải tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định, đầu tư khá cao… dẫn đến chi phí vận hành lớn. Phương pháp chôn lấp đang được áp dụng chủ yếu tại Việt Nam, nhưng trong tổng số 904 bãi chôn lấp trên cả nước chỉ có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, số còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, các bãi tập kết chất thải cấp xã.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 đã đề cập rất sâu đến việc ưu tiên phát triển năng lượng điện rác bằng việc áp dụng những công nghệ mới. Nghị quyết nhấn mạnh khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo đánh giá, Nghị quyết này sẽ “rộng cửa” cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào năng lượng điện rác đảm bảo mục tiêu kép vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải tại các đô thị lớn, vừa có thêm nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các dự án sản xuất thử nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH thành điện gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn. Các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng chuyển đổi các phương thức xử lý CTRSH theo xu hướng tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng từ CTRSH, giảm đến mức thấp nhất lượng đốt, chôn lấp, xả thải; thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn, tổ chức thu gom riêng từng loại CTRSH, vận chuyển theo các tuyến lộ trình đã được quy hoạch nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình vận chuyển CTRSH gây ra.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội nắng nóng, nhiệt độ cao nhất 35 độ C

Thời tiết ngày 2/5: Nhiều khu vực mưa rào và dông

Đoàn kiểm tra rời đi, doanh nghiệp lại tuồn chất thải vào dự án

Hà Nội nâng mức phạt vi phạm về môi trường và đất đai

Quảng Nam: Chất lượng đất đắp nền tại mỏ Hóc Tra có bảo đảm?

Bắc Bộ tiếp tục có mưa, Nam Bộ nắng nóng

Ứng phó dinh dưỡng khẩn cấp trong phòng chống thiên tai

Nâng mức phạt để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

Ngày 28/4: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa
