Công ty MECIE Việt Nam phát triển thành công hệ thống sản xuất oxy y tế di động
Sử dụng thuốc sớm, chủ động oxy điều trị bệnh nhân Covid-19 TP HCM triển khai ứng dụng hỗ trợ tìm giường oxy cho bệnh nhân Covid-19 |
Công suất sang chiết 110 bình 40 lít/ngày hoặc 450 bình 8 lít/ngày
Nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu oxy y tế tại các bệnh viện trong công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nhiều địa phương, Công ty MECIE Việt Nam đã nghiên cứu thành công trong việc tích hợp và phát triển hệ thống sản xuất oxy y tế di động nhằm phục vụ ứng cứu linh hoạt cho các bệnh viện dã chiến.
Ông Lê Quốc Khanh - Giám đốc Công ty MECIE Việt Nam cho biết, công ty đã triển khai thành công hệ thống sản xuất oxy y tế di động theo công nghệ PSA (Pressure Swing Adsorption), sản phẩm được lắp đặt toàn bộ trong container 20 feet có thể dễ dàng di chuyển ở khu vực xa các trạm nạp và cấp oxy y tế truyền thống.
Mỗi container sản xuất oxy y tế di động có công suất mỗi ngày có thể cho ra 110 bình oxy y tế 40 lít, áp suất 150 kg/cm2 có thể nạp oxy y tế vào các bình 8 lít hoặc 10 lít khi cần thiết. Oxy y tế được sản xuất ở dạng khí, nguyên liệu là không khí tại chỗ, sản xuất bằng công nghệ rây phân tử, sử dụng vật liệu hấp phụ zeolit.
![]() |
Hệ thống sản xuất oxy y tế di động theo công nghệ PSA (Pressure Swing Adsorption), sản phẩm được lắp đặt toàn bộ trong container 20 feet có thể dễ dàng di chuyển ở khu vực xa các trạm nạp và cấp oxy y tế truyền thống |
Nguyên lý hoạt động của hệ thống là: Không khí bao gồm các thành phần (Nitơ chiếm 78,09%, oxy chiếm 20,95%, khí trơ chiếm 0,93%, CO2…) sẽ được hút từ bên ngoài vào thiết bị bởi máy nén khí, qua bộ phận xử lý khí để loại bỏ các tạp chất và hơi nước, sau đó sẽ được đưa qua tháp đệm. Hệ thống thiết bị gồm hai tháp phản ứng A và B hoạt động luân phiên ở hai giai đoạn hấp phụ và giải hấp phụ, trong mỗi tháp đều có vật liệu hấp phụ zeolit đặc biệt.
Khi không khí đi qua tháp phản ứng, Nitơ sẽ bị giữ lại ở lớp vật liệu hấp phụ zeolit đặc biệt này và chỉ cho thành phần oxy đi qua với hàm lượng 93%±2% đạt tiêu chuẩn của oxy y tế. Sau một chu trình hấp phụ, Nitơ sẽ chuyển sang giai đoạn giải hấp phụ để thoát ra khỏi lớp vật liệu hấp phụ zeolit bằng đường thoát khí riêng ra ngoài môi trường.
Hệ thống sản xuất oxy y tế di động của MECIE có sẵn với các model tiêu chuẩn công suất từ 5 đến 80 Nm3/giờ với hàm lượng oxy y tế tạo ra 93%±2%. Hệ thống thiết bị được thiết kế để hoạt động liên tục 24/7. Mỗi hệ thống tạo oxy y tế đều được trang bị chức năng khởi động và dừng tự động, cho phép hệ thống sản xuất ra lượng oxy y tế tương ứng theo mức tiêu thụ hiện tại.
![]() |
Hệ thống sản xuất oxy y tế của Công ty MECIE Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7741:2007 và ISO 10083:2006 |
Trên thiết bị có gắn các cảm biến áp suất, cảm biến nồng độ oxy cho phép kiểm soát chất lượng oxy luôn đạt được các yêu cầu quy định, nếu oxy không đạt được hàm lượng yêu cầu hệ thống sẽ tự động xả bỏ. Hệ thống cũng được trang bị sẵn các bình oxy 40 lít nhằm dự phòng cho các sự cố mất điện hoặc hàm lượng oxy không đảm bảo, nhằm duy trì hoạt động liên tục cho hệ thống trong 2 - 4 giờ.
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng hệ thống chiết nạp khí vào chai chứa khí, hệ thống cũng được hoạt động liên tục với công suất khoảng 110 bình 40 lít/giờ. Hệ thống sản xuất oxy y tế của Công ty MECIE Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7741:2007 và ISO 10083:2006.
Giảm chi phí và thời gian vận chuyển
Ông Lê Quốc Khanh phân tích thêm, trước đây do nhu cầu sử dụng oxy y tế tại Việt Nam thấp nên các doanh nghiệp sản xuất thường ở xa trung tâm, oxy được sản xuất tại các nhà máy thường sử dụng oxy lỏng, bằng phương pháp chưng cất.
Tuy nhiên, với phương pháp hiện đại này, nguồn cung ứng và vận chuyển oxy y tế sẽ đáp ứng kịp thời khi nhu cầu điều trị tăng cao. Bên cạnh đó, các trạm nạp oxy y tế tới các tại bệnh việc còn xa.
Đơn cử, tại TP HCM trạm nạp oxy y tế gần nhất là Hóc Môn, xa hơn là Bình Dương. Trung bình cần 20-30 phút để nạp bình 8-10 lít và 1 giờ để nạp bình 40 lít, chưa kể thời gian di chuyển từ các điểm nạp tới bệnh viện.
![]() |
Hệ thống có ưu điểm dễ di chuyển và lắp đặt, chỉ cần có nguồn điện là có thể sản xuất được oxy y tế tại chỗ |
Theo báo cáo thống kê sơ bộ năng lực sang chiết bình 40 lít của Việt Nam vào khoảng 3.800 chai/ngày đối với khu vực phía Bắc, 15.100 chai/ngày đối với khu vực Miền Trung, 11.500 chai/ngày đối với khu vực Miền Nam. Tổng số xe bồn chở oxy lỏng 21 xe miền Bắc, 22 xe miền Trung, 48 xe miền Nam.
Được biết, để lắp đặt được hệ thống oxy lỏng tại các bệnh viện lớn cần rất nhiều thời gian như thiết kế và thi công hệ thống khí y tế bệnh viện, các đặc tính kỹ thuật và điều kiện kỹ thuật lắp đặt đường ống phải đáp ứng chất lượng tiêu chuẩn quốc tế như EN, DIN, BSI, FDA. Hệ thống còn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay hạ tầng của bệnh viện dã chiến không đáp ứng được các yêu cầu này. Do đó, các bệnh viện đang sử dụng chủ yếu nguồn oxy y tế cung cấp từ các chai chứa khí đã được sang chiết.
Nhằm khắc phục những tồn tại và hạn chế nêu trên, Công ty MECIE Việt Nam đã phát triển, tích hợp thành công hệ thống sản xuất oxy y tế di động, với ưu điểm dễ di chuyển và lắp đặt, chỉ cần có nguồn điện là có thể sản xuất được oxy y tế tại chỗ.
![]() |
Mỗi container sản xuất oxy y tế di động có công suất mỗi ngày có thể cho ra 110 bình oxy y tế 40 lít, áp suất 150 kg/cm2 có thể nạp oxy y tế vào các bình 8 lít, 10 lít khi cần thiết |
Đồng thời, hệ thống này có thể tăng cường đến nhiều điểm sử dụng oxy y tế tức thời hoặc các sự cố xảy ra trong trường hợp nguồn cấp oxy y tế cung cấp bị chậm. Đặc biệt là đáp ứng nhanh nhất nhu cầu cấp thiết về oxy y tế cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Thời gian để sản xuất một hệ thống này từ 15-20 ngày, với chi phí trên dưới 1 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào các chức năng lựa chọn của thiết bị.
Theo TS Nguyễn Trung Dũng - Trường Đại hộc Bách Khoa Hà Nội, việc ứng dụng hệ thống sản xuất oxy y tế di động vào trong công tác phòng chống dịch là hết sức cần thiết. Với một hệ thống sản xuất oxy y tế tại chỗ công suất 25 Nm3/h có thể đóng chai tại chỗ được 110 bình oxy y tế 40 lít/ngày, tương đương với lượng oxy y tế cung cấp cho 80 bệnh nhân thở gọng mũi tại một bệnh viện dã chiến hoặc một trạm hồi sức cấp cứu (ICU) khoảng 27 giường.
Hệ thống trên thực sự cần thiết trong việc ứng cứu tại chỗ, khi cần sử dụng oxy y tế khẩn cấp tại các bệnh viện chưa có hệ thống oxy lỏng hoặc gián đoạn nguồn cung oxy từ các nhà máy. Hệ thống được thiết kế để với ưu điểm dễ dàng di chuyển, vận hành, sản xuất oxy y tế tại chỗ và sử dụng để tăng cường đến nhiều địa điểm cần sử dụng oxy y tế tức thời, khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung oxy y tế.
Trong khi đó, ThS Đỗ Thanh Bái - Giám đốc trung tâm môi trường và An toàn hoá chất cho rằng, việc sử dụng kỹ thuật rây phân tử để tách không khí là một kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường và không tốn nhiều chi phí năng lượng khi so sánh với các công nghệ truyền thống khác.
Ở nước ta hiện nay có rất nhiều tỉnh vùng sâu vùng xa khi chưa có hệ thống oxy lỏng hoặc sang chiết, khi xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó khăn do việc vận chuyển oxy y tế tốn rất nhiều thời gian và số lượng bình chứa hạn chế.
Do đó, việc sử dụng thiết bị và công nghệ này là rất phù hợp trong giai đoạn ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay, khi mà số lượng bệnh nhân đang cần hỗ trợ máy thở và oxy đang tăng rất nhanh ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, để sản xuất với số lượng thiết bị theo công nghệ này đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 có thể phải mất nhiều thời gian đầu tư sản xuất.
Thời gian tới, Công ty MECIE Việt Nam tiếp tục sản xuất hệ thống oxy y tế di động với mong muốn đồng lòng cùng Chính phủ, ngành Y tế và người dân thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
"Với truyền thống thương người như thể thương thân và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam, Công ty MECIE Việt Nam rất mong các tổ chức, đoàn thể, cá nhân góp công, góp của cùng công ty mở rộng quy mô hoạt động, giúp đỡ được nhiều bệnh nhân đang điều trị Covid-19 hơn", ông Lê Quốc Khanh nói.
Công ty MECIE Việt Nam được biết đến là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tư vấn giải pháp, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển công nghệ để triển khai áp dụng trong thực tiễn nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý giám sát và xử lý môi trường. Việc thành công trong việc tích hợp và phát triển hệ thống sản xuất oxy y tế di động kết quả nghiên cứu của cả tập thể công ty nhằm đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

EVNHCMC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cho “Ngày hội non sông”

Du khách phấn khích check-in với quầy buffet thời bao cấp tại Ba Na Hills

Vinamilk hoà cùng niềm vui của ngày hội thống nhất non sông

SABECO trong dòng chảy đầy tự hào và vinh quang của Việt Nam

BSR doanh thu gần 32.000 tỷ đồng trong quý I/2025

PVCFC: Đột phá trong chuẩn mực quốc tế và mục tiêu Net Zero

Bình Điền ra mắt Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới

MobiFone huy động hàng nghìn nhân sự, đảm bảo mạng lưới phục vụ đại lễ 30/4

Lợi nhuận trước thuế của ABBANK tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ
