“Lá cờ đỏ phủ trên lồng ngực đỏ” - Nỗi đau quặn thắt từ Rào Trăng
![]() |
Các chiến sĩ chào tiễn biệt khi xe chở thi thể các cán bộ, chiến sĩ về Bênh viện 288 |
Sự mất mát nào cũng gây đau đớn, nhưng mất mát ấy lại đến cùng lúc với nhiều người, nhiều gia đình, trong một hoàn cảnh đặc biệt thì nó trở nên nặng nề, thương tâm tột cùng.
Miền Trung của chúng ta, cái dải đất nhỏ hẹp, phần nhỏ nhất tính từ dãy Trường Sơn ra đến biển Đông chỉ 40 km, không khác gì phần đòn gánh đặt trên vai với hai đầu trĩu nặng. Vì là phần giữa của đòn gánh, nên trải qua bao nhiêu thăng trầm, bể dâu, biến thiên của lịch sử, dường như miền Trung luôn ở tâm điểm của những thách thức, trở ngại. Sức người có hạn, sức người cũng vô hạn, càng thách thức càng kiên cường. Càng kiên cường càng thách thức. Cái chu kì thách thức của ông giời cứ qua rồi lại đến.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4, sau khi nhận tin báo 17 công nhân ở thuỷ điện Rào Trăng 3 mất tích do lũ quét, trước khi lên đường đã nói: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ từng phút. Dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hi sinh”. Đó chắc chắn không phải chỉ là suy nghĩ của cá nhân ông, mà là của tất cả những người đã đồng hành cùng ông hôm ấy. Trong đó có vị Chủ tịch huyện vừa mới nhậm chức hơn 1 tháng, trong đó có một cán bộ công tác ở Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người được tìm thấy vào đúng ngày kỉ niệm sinh nhật…
Các bà mẹ của chúng ta đã mất hàng triệu người con trong các cuộc kháng chiến cứu nước, thật khó tin, khó chấp nhận sự thật là các mẹ vẫn tiếp tục mất con trong thời bình. Trên facebook của một cô giáo ở Huế, có một bài thơ ghi tên tác giả Vũ Phương Trang, có lẽ sẽ khiến tất cả mọi trái tim bà mẹ trên đời này đều buốt nhói:
Mạ ơi...
Con xin người, xin người đừng khóc
Lệ chan mưa...mưa lạnh ngắt, Mạ ơi
Con về rồi, xin Mạ lau khô mắt,
Để ôm con như ngày bé thơ ngây,
Con trai Mạ đã trở về đây
Nhưng lặng im, con không chào Mạ nữa....
Mạ thương yêu, con về, không đi nữa,
Công tác lần này, lần cuối, Mạ ơi,
…
Mẹ của chủ tịch huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình đã ngất xỉu khi biết tin con không còn nữa. Mấy ngày cả gia đình giấu bà cụ việc con trai mất tích, nhưng đến khi thi thể anh Bình cùng 12 người khác được đưa về thì không thể không cho bà nhìn mặt con trai lần cuối. Người ta nói, theo thời gian thì nỗi đau nào cũng nguôi ngoai, trừ nỗi đau của những người mẹ mất con. Những đứa con là thân thể, là hơi thở, là máu và là những giọt lệ không thể nào tách rời trong suốt cuộc đời người làm mẹ.
![]() |
Một chiến sĩ công binh vốc từng vốc bùn để không làm ảnh hưởng đến thi thể các nạn nhân |
Hàng nghìn người với rất nhiều phương tiện đã tìm cách tiếp cận các khu vực sạt lở, mất người ở khu vực Rào Trăng 3. Họ gánh trên vai niềm hi vọng, chờ đợi của cả triệu người. Cho đến nay, cả tuần lễ trôi qua, vẫn còn những người chưa tìm thấy dưới bùn đất. Trong lúc cháy nhà việc đầu tiên là lo dập lửa chứ không phải lo tìm nguyên nhân vì sao nó cháy. Nhưng rồi khi đã yên ắng, chắc chắn không thể bỏ qua việc xem xét nguyên nhân vì sao. “Thiên tai” tức là tai hoạ do ông trời mang lại. Nhưng không phải chỉ đơn thuần do cái “tính khí” thất thường của “ông ấy”. Ai cũng biết trải qua khoảng 5 tỉ năm tuổi của hệ mặt trời, thiên nhiên luôn có vô vàn những va chạm, vỡ nát, hình thành rồi biến mất, biến mất rồi lại hình thành. Không có một hành tinh nào yên bình tuyệt đối, ổn định tuyệt đối. Trong số đó, trái đất vẫn luôn là hành tinh lý tưởng duy nhất để sự sống tồn tại. Ngay cả lý tưởng nhất thì nó cũng phải chịu động đất, núi lửa, sóng thần, lũ lụt… diễn ra như “cơm bữa” trên khắp bề mặt lục địa. Hầu như thập kỉ nào cũng có những vụ thiên tai lớn đến mức kinh hoàng, lấy đi sinh mạng của hàng nghìn người có khi chỉ trong vài phút đồng hồ. Không một quốc gia nào có thể nói rằng mình có khả năng chống lại thiên tai cho dù giàu có hùng mạnh đến đâu. Chống lại ông trời là việc bất khả.
Nói thế để thấy rằng thiên tai sẽ không chỉ đến trong hôm nay, ngày mai, mà nó sẽ còn đến nữa, nhiều hơn nữa và ghê gớm hơn nữa trong tương lai. Nhất là khi, theo các nhà khoa học thì mặt trời đã bắt đầu bước những bước đầu tiên sang bên kia con dốc của cuộc đời nó. Tuổi thọ của mặt trời được cho rằng “chỉ có” 10 tỉ năm, và nó đã đi được một nửa chặng đường.
Nhưng nói thế cũng không có nghĩa rằng chỉ cần “đổ” cho ông trời là “xong chuyện”. Tại sao chúng ta lại để mất đi những khu rừng nguyên sinh đầy cây cổ thụ? Rừng là lá phổi, là tấm áo giáp để bảo vệ mặt đất, rừng giữ đất và giữ nước. Đến học sinh tiểu học cũng được dạy về điều đó. Vậy tại sao mỗi năm rừng vẫn mất đi? Không phải chỉ lâm tặc khai thác trộm, mà ngay trong quy hoạch sử dụng rừng, bảo vệ rừng cũng có nhiều “vấn đề”.
Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Và theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Có nghĩa là, thực tế, chính chúng ta đã tự xé rách tấm áo giáp bảo vệ đất đai, sông suối, ruộng vườn, nhà cửa, sinh mạng con người.
Còn trên thế giới, Tổ chức giám sát rừng thế giới và Đại học Maryland đã dùng dữ liệu từ vệ tinh để theo dõi mức độ phá rừng trên trái đất, do hoạt động của con người hoặc thiên tai như cháy rừng. Và kết quả cho thấy trong năm 2017, hơn 15,8 triệu hécta rừng nhiệt đới bị đốn hạ, tương đương với diện tích đất nước Bangladesh. Điều này đồng nghĩa mỗi phút thế giới mất đi diện tích rừng tương đương 40 sân bóng đá.
Trong cuốn sách “Sapiens - Lược sử loài người”, tác giả Yuval Noah Harari đã cho rằng: Trong lịch sử khoảng 4 tỉ năm của trái đất, thì khi con người tinh khôn (Homo Sapiens) đi đến châu lục nào thì sẽ gây ra những làn sóng tuyệt chủng ở đấy. Hàng trăm loài thú lớn trên 50kg đã biến mất hoàn toàn, không còn bóng dáng chỉ trong vài nghìn năm cho dù chúng đã từng tồn tại hàng vài chục triệu năm trước khi phải đối diện với Homo Sapiens. Cũng chính Homo Sapiens - tổ tiên của chúng ta - đã gây ra những vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử không phải do thiên tai, chỉ vì nạn đốt rừng làm nương rẫy.
Chúng ta đang tự hào vì ngày càng bước những bước nhảy vọt lên những đỉnh cao “ngất ngưởng” của khoa học công nghệ; càng ngày sức người càng được thay thế bằng thiết bị máy móc; càng ngày càng “giỏi giang” chinh phục thiên nhiên, mà quên mất rằng, mỗi ngày chúng ta cũng tàn phá thiên nhiên nhiều hơn.
Bảo vệ rừng, bảo vệ vỏ trái đất không phải là việc của “thế giới” hay của “nhân loại” mà là việc của chính mỗi công dân nhỏ bé trên đất nước đã và đang trải qua vô vàn gian khó này.
Liệu rằng nỗi đau của những mọi bà mẹ trước sự mất mát vừa qua có đủ để lay động cảm xúc của tất cả chúng ta trước trách nhiệm bảo vệ màu xanh trên dải chữ S này? Thật khó có thể kìm lòng trước những câu thơ ứa máu:
“Mạ yêu ơi, từ nay trở về sau
Lá cờ đỏ phủ trên lồng ngực đỏ
Con trai Mạ chẳng hoá thành bất tử
Chỉ Tổ Quốc thiêng liêng... bất tử mãi trong con...!”
Lá cờ đỏ đã phủ lên lồng ngực đỏ, nơi trái tim những người con đã ngừng đập trong mưa bão. Nỗi đau xót đến quặn thắt này sẽ không dừng lại nếu như mỗi chúng ta còn chưa thực sự thức tỉnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025

Bắc Bộ có nơi nắng nóng gay gắt

68 cán bộ Công an Lâm Đồng xin nghỉ hưu trước tuổi

Hà Nội: Không để phát sinh "điểm nóng" khi thực hiện thu hồi đất

Huyện Sóc Sơn phát động ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”

Điện Biên sắp khánh thành Cột cờ A Pa Chải

“Kiên quyết, kiên trì, sẻ chia” tạo sự đồng thuận của Nhân dân

Thượng đại kỳ Phật giáo lớn nhất thế giới tại Đại lễ Vesak 2025

BHXH tự nguyện: “Kênh” đầu tư hiệu quả cho tương lai
