Nêu cao văn hóa người Hà Nội ở vùng kinh tế mới Lâm Hà
Người Hà Nội hào hoa và tràn đầy tình yêu hòa bình Lan tỏa giá trị người trẻ Hà Nội với việc phát tâm tình nguyện Hà Nội - Lâm Đồng phát huy truyền thống gắn bó, phát triển bản sắc văn hóa |
Mang sức trẻ tới cao nguyên đất đỏ
Cách đây 49 năm, tiếp nối ngọn lửa truyền thống của phong trào “Ba sẵn sàng”, theo gương các thanh niên tình nguyện Thủ đô, cô gái Nguyễn Thị Thanh Hà năm đó vừa trong 18 tuổi đã không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, xung phong vào Lâm Đồng làm nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới…
"Lúc ấy vô tư lắm, tuổi trẻ mà. Đất nước vừa giải phóng được một thời gian, lứa thanh niên chúng tôi đều hăng hái, quyết tâm, tràn đầy khí thế, mong muốn đóng góp sức trẻ của mình vào việc kiến thiết đất nước", cô Hà nhớ lại.
![]() |
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà xem lại những bức ảnh chụp đoàn thanh niên tiền trạm Thủ đô đi xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng |
Dù vậy, sống trong hoàn cảnh còn nhiều tàn dư của chiến tranh, cũng có nhiều ý kiến trở ngại, đặc biệt là gia đình. Bố mẹ, anh chị em của cô Hà đều lo lắng. Bởi lẽ lúc bấy giờ họ còn quá trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Họ cũng chưa từng phải đi xa khỏi lũy tre làng trong khi nơi đến cách quê hương gần 2.000 cây số, thời bấy giờ giao thông và liên lạc thì khó khăn.
Hiểu được sự yêu thương, quan tâm của gia đình dành cho mình, cô gái Thanh Hà và các bạn đồng trang lứa đều thuyết phục cha mẹ, phổ biến cho họ hiểu về ý nghĩa của phong trào, tin tưởng vào chủ trương của thành phố Hà Nội và đất nước. Với khát vọng thanh niên, với trái tim nồng hậu và bầu máu nóng của lý tưởng, những thanh niên của Hà Nội lúc bấy giờ kết thành đoàn mạnh mẽ, tung cánh, sải bước ra với đất nước rộng lớn.
![]() |
Những cựu thanh niên tiền trạm Thủ đô trong Hội nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đoàn công tác huyện Lâm Hà |
Cô Thanh Hà kể rằng, Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan giàu tiềm năng, đại ngàn lúc bấy giờ còn rất hoang sơ, hiểm trở. Lực lượng Fulro vẫn còn ẩn nấp, đe dọa trỗi dậy. Lực lượng thanh niên vào với Tây Nguyên lúc bấy giờ mang trên vai mình rất nhiều sứ mệnh. Điều đó khiến họ trào dâng niềm tự hào nhưng cũng đầy thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của tổ chức.
"Trong vòng 3 năm, một mặt, các tổ đội tham gia lao động sản xuất hăng say, một mặt thì bảo vệ cho dân làng và cho chính bản thân mình cùng các bạn. Ở vùng khai hoang, vỡ hóa đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", chúng tôi làm đường, vỡ đất để tạo thành mặt bằng nhằm trồng cây, dựng lán, tạo dựng cuộc sống và kinh tế mới cho nơi đây", cô Thanh Hà cho biết.
Trồng cây thì phải là những giống cây thực nghiệm theo đề án của ngành Nông nghiệp được các nhà khoa học nghiên cứu và thí điểm. Bây giờ thì chúng ta đã biết những cây hợp với thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu của Tây Nguyên như dâu tằm, cỏ bò sữa và đặc biệt là ngô... nhưng hồi ấy các thế hệ thanh niên đi xây dựng kinh tế mới phải trồng và thử nghiệm rất nhiều loại để sàng lọc, tổng kết và rút ra kinh nghiệm.
Tạo nên "phiên bản hoàn hảo" của Thủ đô
Trong các trại chăn nuôi, trồng trọt thực nghiệm, các chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi phơi phới, làm việc hăng say hết mình, không ngại khó, không ngại khổ. Ban ngày lao động, ban đêm canh gác hoặc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tập thể, mọi người đều đoàn kết, bảo ban nhau và cùng nhau trưởng thành.
Những lời ca, tiếng hát không chỉ biểu thị tinh thần của thanh niên mà còn chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, đồng thời mang theo những nét văn hóa của Hà Nội tới nơi này.
Lúc bấy giờ, cô Hà và các đồng đội ở riêng theo các chi đoàn, được chia theo 8 tổ đội với 4 khu phố mang tên các quận nội thành của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm để gợi nhớ về Thủ đô yêu dấu.
![]() |
Lãnh đạo TP Hà Nội tặng quà tới đại diện lực lượng tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng |
Trong số hơn 3.000 thanh niên thì huyện Đông Anh đã có khoảng 1.000 người. Cách xa quê nhà gần 2000 cây số, những người con của Hà Nội luôn yêu thương, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Họ chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống, động viên nhau giữ cốt cách, văn hóa của người Thủ đô.
Những người con của Hà Nội ở lại Lâm Hà rất đông, làm nên giá trị đất đai, cây trồng, đặc biệt là phát huy được tố chất của người Hà Nội tại đây. Họ mang văn minh của Thủ đô tới với đồng bào, hài hòa được giữa người Hà Nội với người địa phương.
Đặc biệt, với những người dân huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng... đã mang theo rất nhiều nghề truyền thống vào với Lâm Hà và tạo nên giá trị rất là lớn, khai thác tiềm năng đất đai trù phú nơi này.
Bên cạnh đó, người Hà Nội tại nơi đây còn xây dựng nên một "phiên bản" hoàn hảo của Thủ đô từ ẩm thực, văn chương, thi ca, hội họa và nhất là nét hào hoa, thanh lịch, chịu thương, chịu khó... đặc trưng của các công dân Thủ đô.
![]() |
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà (thứ ba từ trái sang) và các cựu thanh niên tiền trạm Thủ đô |
Dù chỉ ở nơi cao nguyên đất đỏ 5 năm rồi sau đó trở về quê hương Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội nhưng đối với cô Nguyễn Thị Thanh Hà, đó là những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời mình.
Ở vùng đất xa xôi của Tổ quốc, nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, họ đã đến và mang sức trẻ, mang hoài bão, ước mơ của thanh niên phủ xanh những buôn làng. Họ chính là những người đặt nền móng và thành quả của mình ít nhiều góp phần làm nên một huyện xây dựng kinh tế mới thành công nhất cả nước, góp phần cho Lâm Hà, Lâm Đồng được phát triển như ngày nay.
Sau 11 năm xây dựng Vùng kinh tế Hà Nội tại Lâm Đồng do trực tiếp thành phố Hà Nội quản lý (1976 - 1987), đến năm 1987, khi Vùng kinh tế mới phát triển với quy mô tương đương với một huyện, thành phố Hà Nội đã thống nhất với tỉnh Lâm Đồng thành lập huyện kinh tế mới Lâm Hà vào ngày 28/10/1987, trên cơ sở sáp nhập Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng với 5 xã của huyện Đức Trọng với cái tên đầy ý nghĩa, sự kết hợp giữa đất Lâm Đồng và người Hà Nội.
Điều này khiến những người đã trở về Hà Nội sinh sống, lập nghiệp, xây dựng gia đình như cô và những cựu thanh niên tiền trạm Thủ đô bấy giờ rất đỗi tự hào. Lâm Hà không chỉ là một vùng kí ức mà còn là một mảnh đất lưu dấu trong tâm hồn, là một miền quê của những cựu thanh niên. Vào các dịp kỷ niệm 10, 20, 30 năm vào xây dựng kinh tế mới, họ đều trở về nơi đây như trở về quê hương thứ hai của mình.
Những vần thơ sâu nặng nghĩa tình
Là người yêu văn chương, có một tâm hồn tràn đầy niềm rung động, cô Thanh Hà gửi gắm tâm sự của mình vào những con chữ, trở thành những vần thơ sâu nặng nghĩa tình. Là chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ của huyện Đông Anh, cô Nguyễn Thị Thanh Hà không chỉ yêu thơ mà còn chuyên tâm phát triển phong trào thơ ca trong các hội viên, làm phong phú thêm giá trị tinh thần, tạo nên những nguồn vui sống cho mọi người.
Đặc biệt, sau mỗi lần trở lại nơi ghi dấu thanh xuân, chứng kiến sự đổi thay và phát triển nơi đây, cảm xúc của cô luôn dâng trào niềm bồi hồi, xúc động. "Lâm Hà là một phần tuổi trẻ của tôi. Nơi tôi trưởng thành và học hỏi được rất nhiều. Do đó, những bài thơ là đúc kết những trải nghiệm, tình cảm của tôi với mảnh đất này", cô Hà tâm sự.
![]() |
Một góc Trung tâm hành chính huyện Lâm Hà, Lâm Đồng |
Sau đây là những bài thơ cô Nguyễn Thị Thanh Hà sáng tác: Nhớ mùa Thu ấyTháng 10 Mắt em xanh màu cây lá Tóc em buông dài óng ả Đôi chân thoăn thoắt Lên đường Phía sau còn bao vấn vương Phía trước niềm tin tuổi trẻ Mở đường, xây vùng kinh tế.
Mấy ngàn thanh niên xung phong Người Hà Nội - Đất Lâm Đồng Linh thiêng ngày đầu khai mở Xây trường, đón đàn em nhỏ. Nay thành thế hệ thứ ba... Sắp 50 mùa sây quả Hạt vàng, tình người sinh sôi Anh vào tìm em ... chưa gặp dấu chân người Lâm Hà ơi !!! Ngút ngàn tít tắp dâu xanh Cà phê ngợp đồi chín đỏ Đêm đêm đèn màu rực rỡ Nhớ xưa hoang hoải... Rừng già Điều gì lâng lâng trong ta Bàn tay, sức người, sáng tạo Người Thủ đô vào thay áo Xanh miền đất đỏ bazan
Tặng người ở lạiKhi ở Nam Ban mùa mưa Đông Anh quê mình vào mùa đất ải Nắng hanh đơm vàng hoa cải Người chờ nước cấy vụ chiêm Sáu tháng mưa - mưa triền miên Con suối reo thành ngọn thác Đất đỏ, nương dâu xanh ngát Óng vàng nong kén buông tơ Lớp trường ríu rít trẻ thơ Ai hát "Bài ca Hà Nội" Nghe... con tim mình bối rối Thì thầm "Người ở người ơi" Vấn vương con tằm rút ruột Tháng năm, năm tháng nên tình 50 năm rồi em nhỉ Mấy lần về quê Đông Anh... |
Tin liên quan
Đọc thêm

Hà Nội sẽ tuyên dương 80 "Gia đình văn hóa" tiêu biểu

Bài ca đẹp về lòng sùng đạo, vị tha và yêu chuộng hòa bình

Lan tỏa giá trị người trẻ Hà Nội với việc phát tâm tình nguyện

Nhân dân Thủ đô hoan hỉ cung nghinh xá lợi Phật

Cung nghinh xá lợi Phật, một lòng hướng thiện

Để tình nghĩa xóm giềng được trọn vẹn...

Âm hưởng Điện Biên qua những bài ca đi cùng năm tháng

Ngọn lửa đam mê sáng tạo trong trái tim người thợ trẻ Thủ đô

Người Hà Nội hào hoa và tràn đầy tình yêu hòa bình
