Nhiều doanh nghiệp sử dụng “chiêu trò” để trốn đóng bảo hiểm xã hội
![]() |
Thời gian vừa qua, ngành bảo hiểm đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng mọi “chiêu” để né trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động
Bài liên quan
Hà Nội kiên quyết khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
BHXH Hà Nội công khai 50 đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội
Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng
Gia tăng số người có việc làm, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp
Hướng dẫn mới về chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
“Nghìn lẻ” chiêu đối phó
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, cố tình chây ì và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước còn 32.205 đơn vị bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3-6 tháng với số tiền 987 tỉ đồng (tăng 118 đơn vị với số tiền 48 tỉ đồng so với tháng 8); 12.849 đơn vị với 745 tỉ đồng (giảm 13 đơn vị và số tiền nợ tăng 41 tỉ đồng) nợ từ 6-12 tháng và 14.982 đơn vị với số tiền 2.931 tỉ đồng nợ trên 12 tháng.
Trong năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội của các địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng 2 - 5 ngày, họ lại được ký tiếp "hợp đồng lao động mùa vụ".
Tiếp tục thanh tra tại một doanh nghiệp khác, đoàn thanh tra phát hiện nhiều người lao động được ký hợp đồng một năm (từ 6/2017) nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Theo hồ sơ doanh nghiệp này cung cấp, đến tháng 12/2017 người lao động xin thôi việc nhưng đến tháng 4/2018 (3 tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với hợp đồng lao động mới và tham gia BHXH từ tháng 4/2018...
Đây là những tình huống khá phổ biến mà nhiều đoàn thanh tra gặp phải. Tuy nhiên, cách ứng xử, giải thích của các chủ doanh nghiệp lại rất khác nhau nên các đoàn thanh tra cũng có những xử lý khác nhau.
![]() |
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động |
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Quang Hớn, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An) cho biết: “Tại nhiều doanh nghiệp, khi thanh tra đoàn công tác mới phát hiện hàng chục người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội; thậm chí hàng ngàn người lao động bị đóng thiếu thời gian, thiếu mức tiền so với thực tế. Lúc này, trách nhiệm của đoàn thanh tra là phải thu thập bằng chứng, tài liệu, đối chiếu quy định pháp luật mới có thể buộc doanh nghiệp thực hiện đúng. Đơn cử như thời gian qua Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An đã phát hiện 2.737 trường hợp người lao động bị doanh nghiệp đóng thiếu so với quy định và trên 500 trường hợp không tham gia…”, ông Dương Quang Hớn cho biết.
Theo các chuyên gia, trước đây, “chiêu” mà các doanh nghiệp thường áp dụng là ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng. Họ ký tối đa hai hợp đồng rồi sau đó giấu đi, chỉ khi bất đắc dĩ mới phải cung cấp.
Các doanh nghiệp thường có 3 loại hồ sơ (gồm hợp đồng lao động, bảng lương), trong đó một bộ để lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp, giữa các cổ đông; một bộ để báo cáo cơ quan chức năng, ngân hàng và một bộ để dùng cho chính người lao động. Tuy nhiên, từ 1/1/2018, “chiêu” ký hai hợp đồng dưới 3 tháng sẽ không thể áp dụng. Luật BHXH quy định hợp đồng lao động từ một tháng trở lên doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nên khả năng phát hiện gian lận sẽ cao hơn.
Cùng với đó, thời gian gần đây, việc liên thông dữ liệu thuế hỗ trợ rất lớn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc đối chiếu, kiểm tra các hành vi gian lận. Trước đây, doanh nghiệp có thể báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp một đằng và đóng bảo hiểm xã hội một nẻo. Nhiều doanh nghiệp khai báo thuế trả tiền lương, tiền công cho người lao động với số tiền vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng để làm chi phí khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho ai. Nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã có dữ liệu của ngành Thuế để đối chiếu nên doanh nghiệp khó “lách” được, thậm chí bị chế tài xử lý vi phạm rất nặng.
Quyết liệt giảm nợ BHXH, trốn đóng BHXH
Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra các đơn vị thực hiện luôn phải đối mặt với muôn kiểu đối phó của doanh nghiệp như: khai gian số liệu, giấu sổ sách, cử người không đủ thẩm quyền làm việc, thậm chí khiếu nại, kiện ngược lại đoàn thanh tra...
Theo ông Mai Văn Thắng, Phó trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội là do hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa tốt.
Không ít doanh nghiệp dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng lại cố tình chây ì, nợ bảo hiểm xã hội. Người lao động, một mặt do sức ép việc làm và do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách cho nên chưa chủ động đấu tranh với chủ sử dụng lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Để hạn chế gia tăng nợ với quyết tâm nợ thấp hơn năm 2018, ngoài các giải pháp thông thường, từ đầu năm 2019 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai một số giải pháp. Trong đó, có yêu cầu cán bộ chuyên quản phải thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp, lập biên bản nếu nộp muộn, qua hai lần lập biên bản thì báo cáo để lập đoàn thanh tra xử phạt.
Liên quan đến vấn đề thanh tra, xử phạt các đơn vị trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: Trong thực tế, công tác thanh tra của ngành bảo hiểm gặp rất nhiều tình huống khác nhau. Do đó, ngoài nắm vững nghiệp vụ, cán bộ thanh tra luôn phải lưu ý tiên liệu trước các tình huống có thể xảy ra để ứng xử phù hợp.
Đơn cử, sau khi kết thúc thanh tra, phía đơn vị sử dụng lao động không ký vào biên bản làm việc thì cần phải làm gì tiếp theo? Hay khi làm việc, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp không ký vào biên bản xử phạt với lý do không được cấp trên ủy quyền nên không biết xử lý thế nào cho hợp lý?…
Ông Long cũng cho rằng, ngoài nắm vững kiến thức pháp luật, các đoàn thanh tra cũng cần linh hoạt xử lý, tránh máy móc. Ví dụ, một đợt thanh tra 10 doanh nghiệp vi phạm, khi bắt tay vào nhiệm vụ, nếu phát hiện 1-2 doanh nghiệp vi phạm thì phải lập biên bản xử phạt ngay, không “máy móc” đợi đến khi thanh tra đủ cả 10 doanh nghiệp mới xử lý.
“Sau khi thanh tra xong, phải kiên quyết yêu cầu người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp của doanh nghiệp ký biên bản làm việc, chứ không thể có chuyện bà kế toán, ông trưởng phòng nhân sự… đứng ra ký biên bản trong khi không có ủy quyền đúng pháp luật”, ông Long nhấn mạnh.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Ra mắt sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp An Lộc Tích Lũy Thịnh Vượng

Hơn 3,3 triệu người sẽ nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5 sớm

Khẩn trương tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5 năm 2025

Phổ biến Luật Thủ đô, Luật Công đoàn tới đoàn viên, người lao động

Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn lao động

Vinh danh 23 tác phẩm xuất sắc và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2025

Phát triển hơn 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong ngày ra quân toàn quốc

Quy định mới về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người tham gia bảo hiểm
