Phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025
Chương trình có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; ông Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Dân tộc, Tôn giáo và Kiều bào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cùng các chuyên gia ngôn ngữ và văn hóa, kiều bào.
Ngoài ra, chương trình còn có sự tham dự trực tuyến của đại biểu ở 100 điểm cầu trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hội đoàn nguời Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Vượt qua ý nghĩa là phương tiện giao tiếp, tiếng Việt còn là linh hồn của dân tộc, là kết tinh bản sắc văn hóa Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Với hơn 6 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt chính là sợi dây thiêng liêng kết nối những người con xa xứ với quê hương nguồn cội; với truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc và những giá trị tốt đẹp mà cha ông truyền lại.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại sự kiện |
Nhận thức sâu sắc về điều đó, từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài nhằm khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì, học tập và sử dụng tiếng Việt như một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.
Qua hơn 2 năm triển khai, chương trình lan tỏa rộng rãi, nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong nước cũng như của kiều bào ở nước ngoài, với nhiều hình thức tham gia phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình địa bàn cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu, sự mong mỏi của cộng đồng.
Với tinh thần “Giữ gìn tiếng Việt, giữ gìn hồn Việt”, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài, các tổ chức hội đoàn và từng cá nhân cùng chung tay bảo tồn, phát huy tiếng Việt. Việc sử dụng tiếng Việt không chỉ ở trong gia đình mà còn trong môi trường học tập, làm việc và giao lưu quốc tế, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
“Mong rằng, sự kiện này sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo đà cho sự phát triển bền vững của tiếng Việt. Tôi cũng mong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng bà con kiều bào trong việc duy trì và lan tỏa tiếng Việt.
Với sự chung tay của tất cả chúng ta, tôi tin tưởng tiếng Việt sẽ ngày càng có vị thế vững chắc trong cộng đồng và trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam với các nước”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nói.
![]() |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông đã chính thức công bố cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2025”. |
Tại sự kiện, đại diện kiều bào, bà Trần Hồng Vân, Sứ giả tiếng Việt năm 2023 đã chia sẻ việc giúp con em kiều bào nói được tiếng Việt, yêu văn hóa Việt. Các em kết nối với cội nguồn dân tộc sẽ tạo dựng nền tảng vững chắc để tỏa sáng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông đã chính thức công bố cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2025”. Đây là sân chơi ý nghĩa nhằm tìm kiếm và tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ, quảng bá tiếng Việt trên toàn cầu.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện, Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4) đã giới thiệu về chương trình “Tiếng Việt không khó”, “Vui cùng tiếng Việt”. Đây sẽ là những chương trình giúp người Việt xa quê, đặc biệt là thế hệ trẻ, học và sử dụng tiếng Việt một cách dễ dàng, sinh động hơn.
![]() |
Các đại biểu ấn nút khai trương chương trình “Tiếng Việt diệu kỳ” do VTV4 và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp sản xuất |
Ngoài ra, Trung tâm Việt Nam học và Trường Việt ngữ Cây Tre (Nhật Bản) đã phát động cuộc thi “Thi hùng biện tiếng Việt, vẽ tranh, tìm hiểu về quê hương Việt Nam” và ra mắt của Tủ sách tiếng Việt.
Đây là sân chơi bổ ích, giúp cộng đồng người Việt ở Nhật Bản, đặc biệt là thế hệ trẻ gắn kết hơn với văn hóa và ngôn ngữ quê hương, đồng thời tạo điều kiện để các em trau dồi tiếng Việt một cách tự nhiên
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu đã ấn nút khai trương chương trình “Tiếng Việt diệu kỳ” do VTV4 và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp sản xuất.
Các hoạt động này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Với sự chung tay của các cơ quan, tổ chức và kiều bào, tiếng Việt chắc chắn sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khúc tráng ca đầy cảm xúc về Thủ đô anh hùng, trọn nghĩa tình

Nhà Trưng bày Hoàng Sa: “Bảo tàng sống” trên không gian mạng

Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành

Các hoạt động nghệ thuật đa dạng, phong phú và hấp dẫn

Ninh Thuận: Phê duyệt đề án bảo tồn Lễ hội Katê

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Dấu ấn Thủ đô tiên phong trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Vỡ òa từng cung bậc cảm xúc với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đảng trong mùa xuân đại thắng”

"Con đường tương lai" gợi mở các mô hình phát triển bền vững
