Hai di tích tại quận Long Biên được xếp hạng cấp thành phố
Bài 1: Huyền tích ngôi đền linh thiêng ven sông Hồng Bài 2: Ấn tượng không gian di tích bên sông Hồng Bài 3: Để di tích đền Rừng “tỏa sáng”… |
Theo kế hoạch của UBND quận Long Biên, Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố đình Gia Thượng và đền Rừng khai mạc lễ hội truyền thống phường Ngọc Thụy sẽ bao gồm phần lễ và hội.
Cụ thể, phần lễ sẽ bắt đầu từ sáng ngày 4/4, gồm các nghi thức rước nước và rước bằng xếp hạng về đình Gia Thượng, đón nhận quyết định công nhận cây di sản Việt Nam; đón nhận bằng xếp hạng di tích.
Phần hội sẽ là chương trình nghệ thuật “Gia Thượng, mảnh đất linh thiêng - Khát vọng bừng sáng” vào tối 4/4 tại di tích đình Gia Thượng (tổ 20, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) và khai mạc lễ hội truyền thống phường Ngọc Thụy năm 2025.
Đình Gia Thượng thờ 5 vị thần hoàng, trong đó có Linh Lang Đại vương và Cao Sơn Đại vương là 2 vị thần có địa vị thần quyền quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân đất Thăng Long.
Linh Lang là vị thần được thờ chính ở đền Voi Phục - Thủ Lệ thuộc trấn Tây kinh thành Thăng Long. Theo huyền thoại, ông là con vua Lý Thánh Tông có công đánh giặc Tống.
Thần Cao Sơn được thờ chính ở đình Kim Liên thuộc trấn Nam kinh thành Thăng Long.
![]() |
Di tích đình Gia Thượng tại quận Long Biên, TP Hà Nội |
Cao Sơn là bộ tướng thân cận của Tản Viên Sơn Thánh đã chống lại Thủy Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.
Đình còn thờ vị Thần Giang Khẩu Đại vương (Thần cửa sông) với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sông nước êm đềm, mùa màng bội thu.
Cùng với việc thờ Thiên thần (Thần núi, Thần sông), đình Gia Thượng còn thờ Minh Trụ Đại vương và Minh Khiết Đại vương - là 2 vị nhân thần, nhân vật lịch sử thời Lý đã được huyền thoại hóa.
Các cụ cao tuổi ở địa phương cho biết, đình Gia Thượng có khởi nguồn tạo dựng khoảng cuối thời Lê Trung Hưng.
Tại đình còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX-XX như: 1 hoành phi "Thánh cung vạn tuế", 3 đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của di tích, 1 bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX, 6 thanh gươm thờ, 1 ngai thế kỷ XIX, 1 bát hương sứ vẽ men mầu xanh lam.
Di tích đền Rừng thờ chúa Thượng Ngàn, có vị trí “đắc địa”, mặt đền hướng ra dòng sông Hồng phù sa, quanh năm là những thửa ruộng xanh tốt. Cảnh quan và không gian di tích thoáng đãng, linh thiêng, thu hút du khách và những người tìm kiếm sự tĩnh lặng, muốn kết nối với thiên nhiên.
Trải qua năm tháng và 2 lần tu tạo, hiện di tích này hoàn thiện các hạng mục công trình kiến trúc độc đáo: Đền chính, cung Sơn Trang, cung Quan Đệ Tam, ban Mẫu bán thiên, nhà Tổ, nhà khách, công trình phụ trợ, sân vườn.
![]() |
Di tích đền Rừng |
Một điểm đặc sắc nữa ở đền Rừng, mang giá trị lịch sử, khoa học, đó là nơi đây bảo lưu được 91 hiện vật, tiêu biểu như bát hương gốm Thổ Hà, tượng 2 vị chúa bà bằng đồng; tượng Linh Lang Đại vương…
![]() |
Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, khoa học, theo Quyết định số 1168/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 28/2/2025, đình Gia Thượng và đền Rừng được xếp hạng di tích cấp thành phố.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tìm lại ký ức Sài Gòn xưa và nay tại ga Metro Bến Thành

Các hoạt động nghệ thuật đa dạng, phong phú và hấp dẫn

Ninh Thuận: Phê duyệt đề án bảo tồn Lễ hội Katê

Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Dấu ấn Thủ đô tiên phong trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc

Vỡ òa từng cung bậc cảm xúc với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đảng trong mùa xuân đại thắng”

Mốc son chói lọi về truyền thống cách mạng ngày thống nhất non sông

Vinh quang và tự hào “Con đường thống nhất”

Quảng Nam: Phát huy giá trị di tích tháp Chăm Bằng An
