Hạnh phúc vì “ngôi nhà xưa” đầm ấm, khang trang
Tô Diệp Hà hạnh phúc khi quảng bá áo dài đến quốc tế Thầy, trò quận Ba Đình quyết tâm xây dựng "Trường học hạnh phúc" Những mái ấm hạnh phúc cho người nghèo ở Yên Bái |
Tờ báo duy nhất và mang dấu ấn Thủ đô
- PV: Với vai trò từng là Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi tờ Báo - “ngôi nhà xưa” bước vào tuổi thứ 40?
- Bà Khúc Nga: Phải nói là mừng, rất mừng. Tôi còn nhớ như in mới ngày nào báo tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập ở Nhà hát Lớn. Bí thư Thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ là đồng chí Phạm Thế Duyệt đã đến chúc mừng, tặng cờ thi đua và mở sâm banh trong tiếng cổ vũ vang dậy.
Thế mà giờ đây, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã bước vào tuổi 40. Một chặng đường dài gian khó có, vinh quang có tập thể lãnh đạo, phóng viên của báo đã bước qua. Tôi thực sự như người trồng và chăm bón một cái cây, hạnh phúc đứng ngắm nhìn nó vươn cao, tỏa bóng xum xuê và hoa trái trĩu nặng.
![]() |
Nhà báo Khúc Nga - nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô vẫn hàng ngày dõi theo những hoạt động của báo với niềm yêu mến và tự hào. |
- PV: Xin bà kể lại về hoàn cảnh, điều kiện, của báo Tuổi trẻ Thủ đô khi bà về công tác tại báo?
- Bà Khúc Nga: Đó là vào giữa năm 1993, khi ấy tôi đang là Phó Trưởng Tiểu ban Chính trị - Ngoại giao của Thông tấn xã Việt Nam. Lúc ấy tôi đang là cây viết cứng của cơ quan với sự chịu khó lăn xả, đi khắp nơi viết nhiều tác phẩm có tiếng vang và đạt nhiều giải thưởng báo chí.
Có lẽ, chính vì sự xông xáo và cộng với việc tôi cũng theo dõi Đoàn Thanh niên nhiều năm nên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đã “chấm” tôi và mời tôi về làm Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Bản chất là người không ngại gian khó, sẵn sàng đương đầu với vất vả, tôi không ngại nhiệm vụ mới, dù chưa hình dung ra là phải làm những cái gì. Bởi lẽ, trước đó tờ báo chỉ là tờ bản tin nội bộ in khổ nhỏ.
Khi “nâng cấp” lên thành tờ báo, chúng tôi đi xin giấy phép khắp nơi với một tên gọi khác nhưng tất cả đều không đồng ý và nhất là đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt.
Đồng chí nhấn mạnh: Phải để tên Tuổi trẻ Thủ đô để tạo thành một tờ báo không lẫn với ai, mang sức trẻ và dấu ấn riêng biệt của Thủ đô - trung tâm văn hóa và chính trị của cả nước. Cho đến bây giờ thì tôi đúng là phục tầm nhìn xa, trông rộng của bác cũng như mong muốn về một ấn phẩm mang sức trẻ của Thủ đô - nơi cả nước chỉ có duy nhất và mọi nơi đều hướng về.
Khắc phục khó khăn bằng quyết tâm và danh dự người làm báo
- PV: Có những kỷ niệm nào mà bà không thể quên trong giai đoạn này, xin bà kể cho độc giả và thế hệ đi sau của báo Tuổi trẻ Thủ đô được biết?
- Bà Khúc Nga: Kỷ niệm thì nhiều lắm, vui cũng có, buồn cũng có (cười lớn). Thế này nhé, cứ tưởng tượng đang là phóng viên được “nhấc” lên làm Tổng Biên tập thì oai đến mức nào. Tất nhiên, tôi sang Tuổi trẻ Thủ đô không phải chỉ vì chức Tổng Biên tập mà tôi muốn thử sức mình, muốn đương đầu với các thử thách nhưng không ngờ thử thách lại “khó nhằn” đến mức ấy.
Các bạn có tưởng tượng nổi một tờ báo mà không có trụ sở, lúc ấy phải ngồi nhờ ở ga-ra của Thành đoàn Hà Nội, trống trước, hở sau, tối tăm, thiếu thốn? Buổi lễ nhậm chức của tôi diễn ra trong cái ga-ra ấy, đầy hoa và những lời chúc mừng. Người đến dự đông đến mức không đủ ghế cho mọi người ngồi.
Thế rồi, cơ sở vật chất thiếu thốn đến nỗi tôi và chị Ngọc Thảo (sau này là Phó Tổng Biên tập) phải ngồi chung bàn với nhau. Có một chuyện cười ra nước mắt như thế này, một ngày, chiếc ghế đẩu mà tôi ngồi cũng bị cháy đen hết mặt ghế vì ai đó bất cẩn đặt bếp lên đó nấu cơm.
Lúc đó, anh Vũ Hữu Luật, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội xuống động viên, nói đùa: "Em cứ ngồi tạm cái ghế ấy, mấy hôm nữa anh mang cho em cái ghế tốt, tự tay anh sẽ kê cho em ngồi".
Tôi làm Tổng Biên tập được hơn một tháng thì nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên rủ nhau chuyển công tác. Họ nói với tôi rằng: "Chúng tôi không ghét gì chị nhưng muốn thay đổi cuộc sống".
Không những thế, còn nhiều khó khăn chồng chất đến nỗi tôi không biết trải lòng cùng ai, chỉ biết trút vào trang nhật ký. Rồi có những buổi chiều, trong lòng tê tái, trĩu nặng, tôi ra đứng bên gốc cây ngâu trong sân Thành đoàn, nhìn về Thông tấn xã Việt Nam cách đó mấy ngôi nhà, không kìm nổi nước mắt và thực sự mong được trở về nơi mình đã có hơn 20 năm gắn bó.
![]() |
- PV: Vậy điều gì giữ chân bà lại? Bà đã lãnh đạo báo khắc phục những khó khăn đó ra sao và những năm tháng đó báo Tuổi trẻ Thủ đô ghi dấu trong lòng bạn đọc ra sao, thưa bà?
- Bà Khúc Nga: Điều gì giữ chân tôi lại ư? Đó chính là sự quan tâm của Thành ủy, Thành đoàn, lòng tin của tập thể báo Tuổi trẻ Thủ đô dành cho tôi. Đó cũng là một phần tính cách của tôi, rất quyết liệt và không ngại gian khổ.
Tôi xốc lại tinh thần, bắt tay vào việc tổ chức tờ báo, việc mà trước đó tôi chưa hề có kinh nghiệm nhưng cứ đi rồi sẽ đến, chỉ cần có quyết tâm, không bỏ cuộc.
Nhân sự rỗng, tôi buộc phải tổ chức cuộc thi tuyển phóng viên. Ban Giám khảo gồm có: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô... Cuộc thi đã tuyển được 7 - 8 phóng viên, đủ khả năng tác nghiệp. Một số bạn trong số phóng viên này hiện công tác ở các báo, đài, có bạn đã là Tổng Biên tập.
Tiếp đó, tôi không thể nào quên được việc mình mặc một chiếc áo dài lộng lẫy, xúng xính để đi đến nhà in… khất nợ. Điều đó thực sự khiến nhiều người… sốc và cho đến bây giờ gặp nhau chúng tôi vẫn nhắc lại kỷ niệm ấy.
Tại sao tôi lại làm vậy? Tôi muốn cho họ thấy sự mạnh mẽ của một người phụ nữ, dám hứa, dám làm, dám khất nợ trong hình ảnh đẹp đẽ nhất để dám quyết tâm làm và trả nợ.
Tiếp theo đó, muốn tờ báo khấm khá lên thì phải có một trụ sở đàng hoàng, là bộ mặt của báo. Chúng tôi lại chạy vạy để “biến” cái xưởng may trong sân Thành đoàn Hà Nội, phía đường Lý Thường Kiệt thành trụ sở như bây giờ.
Nhiều lúc nhìn lại không hiểu sao những năm tháng ấy chúng tôi lại có thể làm được nhiều việc như thế. Nói ra đây để các bạn thấy rằng khó khăn nào cũng có thể vượt qua nếu chúng ta thực sự quyết tâm, đoàn kết và đồng lòng.
Vừa xây trụ sở, vừa lo trả nợ, vừa lo nội dung tờ báo, lo phát hành... tôi dặn anh chị em: "Chúng ta cần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, tìm cách vượt qua khó khăn". Tập thể báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đoàn kết, thương yêu nhau, đẩy lui mọi nghi ngờ. Đó là động lực để tờ báo dần lấy lại uy tín.
Chung tay cùng nhau làm bằng tất cả sự hăm hở và niềm tin vượt lên chính mình, có thời điểm năm 1998, báo Tuổi trẻ Thủ đô phát hành tờ báo ra thị trường lên tới lên tới hơn 1 vạn tờ/kỳ rồi sau đó có lúc gần 7 vạn tờ/kỳ.
Thưc hiện được đúng lời hứa, chúng tôi trả được các khoản nợ, mở được văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và ra thêm ấn phẩm phụ mang tên “Thế hệ trẻ”, xuất bản ở cả hai miền Nam - Bắc, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Bên cạnh đó, đáp ứng đời sống tinh thần và tạo sân chơi cho thanh niên Hà Nội, trong hai năm 1996 và 1998 báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức cuộc thi Hoa khôi Hà Nội mang tên "Thiếu nữ Thủ đô - đẹp và thanh lịch" rất được hoan nghênh. Sau đó, chúng tôi cũng tổ chức giải bóng đá thiếu nhi Thủ đô, thu hút các trường THPT ở Hà Nội tham gia hàng năm.
Báo cũng tổ chức các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai và thu hút đông đảo các cơ quan, Nhân dân và cả nhà chùa nhiệt tình tham gia. Tên tuổi, uy tín của báo Tuổi trẻ Thủ đô dần dần tạo dựng trong lòng bạn đọc Hà Nội và cả nước.
Vững tin tiếp bước
- PV: Theo dõi báo Tuổi trẻ Thủ đô những năm gần đây bà có nhận xét gì về những thành tích báo đạt được?
- Bà Khúc Nga: Thời gian trôi qua nhanh quá. Ngày nào tờ báo mới ở tuổi trăng rằm, giờ đã trung niên, chững chạc ở tuổi 40 tràn đầy sức sống. Rời xa báo đã lâu nhưng tôi luôn theo dõi từng bước trưởng thành, đi lên của tờ báo và thực sự vui mừng vì những thành tích, dấu ấn và báo đã đạt được. “Ngôi nhà xưa” của tôi ngày càng đầm ấm, khang trang khiến tôi rất hạnh phúc!
Cùng với sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo báo, cùng với sự đổi mới của các thế hệ phóng viên, báo Tuổi trẻ Thủ đô của chúng ta đã từng bước đi lên, tạo dựng được vị thế của mình với làng báo Thủ đô và đất nước.
Báo có độ “phủ sóng” không chỉ ở Hà Nội mà ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ngày trước, tôi mơ ước lắm, cố gắng lắm mới thành lập được Văn phòng đại diện của báo tại Thành phố Hồ Chí Minh thì nay báo đã mở được tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Trung Bộ, Miền Trung và Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
Điều đó cho thấy báo thực sự phát triển, ngoài phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của mình còn phản ánh được tình hình phát triển của đất nước, đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng đất nước. Đồng thời, báo vẫn mang “chất” Thủ đô không lẫn vào đâu được, đúng như mong muốn từ ngày đầu thành lập báo.
![]() |
Chất lượng và quy mô của tờ báo chính là “phần cứng”, còn “phần mềm” của báo là những hoạt động an sinh xã hội. Điều này tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng của Tuổi trẻ Thủ đô đối với bạn đọc. Vài năm nay tôi dành phần lớn thời gian tại Bình Dương và cảm nhận rõ nét sức ảnh hưởng của báo, sự yêu mến tờ báo của Nhân dân nơi đây.
Bằng việc tổ chức Giải Bóng đá nam thanh niên công nhân tỉnh Bình Dương - Cúp báo Tuổi trẻ Thủ đô năm 2024 và Lễ cưới tập thể văn minh, tiết kiệm cho 6 cặp công nhân có hoàn cảnh khó khăn, báo đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng độc giả và chính quyền nơi đây.
Từ khắp mọi miền Tổ quốc, các thanh niên đổ về Bình Dương lập nghiệp, mong muốn có được cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương cũng đã hết lòng chăm lo cho công việc, đời sống của họ. Dù vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống về sân chơi, về “món ăn tinh thần” để họ thư giãn sau giờ làm việc, nâng cao chất lượng sống, ổn định tâm lý, vững tâm chọn nơi đây làm nơi an cư, lạc nghiệp.
Do vậy, những hoạt động này của báo thực sự đã mang đến cho họ nguồn vui, động lực, tiếp sức rất lớn, cho đời sống tinh thần của họ phong phú hơn, lành mạnh hơn, để họ chuyên tâm làm việc, xây dựng gia đình, phát triển bản thân. Sự động viên, tiếp sức này của báo Tuổi trẻ Thủ đô là món quà vô cùng ý nghĩa.
Bên cạnh đó, các hoạt động xây nhà tình nghĩa, hộ trợ học sinh nghèo tại khắp các mọi miền Tổ quốc, tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng cho thấy báo lan tỏa được văn hóa, tinh thần người Hà Nội, nối trọn vòng tay kết đoàn, dang rộng yêu thương và sẻ chia tới những mảnh đời khó khăn, sống trọn vẹn trước sau, thực sự đáng trân quý.
Đây là những bước đi vô cùng chững chạc của báo Tuổi trẻ Thủ đô. Tôi rất hạnh phúc khi được theo dõi các bạn, được tự hào vì những gì các bạn đạt được. Chúc tập thể cán bộ, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục vững tâm, vững tin trên hành trình đầy ý nghĩa mà mình đã và đang tạo dựng.
- Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hơn 350.000 lượt khách đến Huế trong 5 ngày nghỉ lễ

Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa nguồn lực cho các dự án đường sắt

5 ngày nghỉ lễ, xử lý 42.620 trường hợp vi phạm giao thông

Ứng dụng công nghệ 4.0 thúc đẩy phát triển giao thông xanh

Đảm bảo an toàn giao thông, “đón” người dân quay trở lại Thủ đô

Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô đi qua 7 huyện, TP Hải Dương

Du khách "mãn nhãn" với giải diều nghệ thuật tại thành phố Vũng Tàu

Xây dựng Côn Đảo thành "thiên đường du lịch" khám phá, trải nghiệm lịch sử, tâm linh, sinh thái biển đặc sắc

Ngày 3/5, xử lý 1.836 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
