Nếu dừng Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch sẽ hỗn loạn
Bổ sung quy định chuyển tiếp các quy hoạch cấp huyện Sửa Luật Quy hoạch để phù hợp với sáp nhập đơn vị hành chính |
Sửa luật phải tận gốc, không thể mãi vá víu
Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị xem xét, cần thiết phải tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch.
Theo ông Huân, Luật Quy hoạch soạn thảo từ 2017, đến 2020 mới thực hiện. Năm 2022, Quốc hội có Nghị quyết 61 nêu ra rất nhiều vấn đề của quy hoạch và đề nghị Chính phủ phải đánh giá, sửa đổi tổng thể luật này.
"Sau đó chúng ta sửa, nhưng chủ yếu là sửa chương, điều, không giải quyết được vấn đề căn cơ", đại biểu Huân cho ý kiến và đề nghị cần mạnh dạn xem Luật Quy hoạch hiện hành đang khả thi tới đâu.
Nêu dẫn chứng, đại biểu Huân cho biết, đã có những tỉnh, địa phương dù được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho sử dụng quy hoạch, nhưng 10 năm nay không làm.
Khi hỏi đến thì địa phương đưa lý do hồ sơ vẫn đang nằm ở Bộ Xây dựng, đang chờ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, như vậy là gây lãng phí nguồn lực.
Ông Huân cũng cho rằng, sửa luật theo kiểu chữa cháy từng phần sẽ không thể gỡ được những điểm nghẽn cốt lõi cho phát triển. Đại biểu dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm về việc cần chuyển từ tư duy quản lý sang kiến tạo.
“Thể chế phải kiến tạo. Nếu Luật Đấu thầu và Luật Quy hoạch vẫn cứng nhắc, địa phương không có không gian sáng tạo thì làm sao kiến tạo được”, ông Huân nói.
Ông Huân cũng dẫn chứng thêm, hiện TP HCM đang chuẩn bị sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng nếu quy hoạch của ba địa phương vẫn vận hành song song thì không thể gộp lại một cách hiệu quả, cũng không thể giữ nguyên như cũ.
Do đó, ông Huân đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo, các cấp thẩm quyền xem xét là có thể nên tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch, Đấu thầu một thời gian để chúng ta đánh giá lại toàn diện, còn chí ít thì phải dừng một số điều mà hiện nay các đại biểu nêu đang rất vướng.
"Dục tốc bất đạt, trong một thời gian ngắn mà chúng ta cố gắng sửa có thể dẫn tới vướng mắc khác. Chúng ta có thể tạm dừng một thời gian xem cái gì thực sự vướng thì sửa một cách căn cơ, toàn diện", ông Huân kiến nghị.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). |
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đặt vấn đề tại sao luật này sửa rất nhiều lần rồi mà vẫn rối?.
Ông Hạ bày tỏ băn khoăn, liệu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật lần này đã thực sự tận gốc, hay tiếp tục vá víu.
Theo đại biểu Hạ, tinh thần của dự thảo luật lần này là chuyển đổi phương thức lập quy hoạch, thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống như phân ngành, cục bộ theo lĩnh vực sang quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, tổng thể, có liên kết và liên thông.
"Đội ngũ chuyên gia ở cơ sở rất quan trọng nhưng có trường hợp chưa nắm bắt được tinh thần mới này, phương pháp tiếp cận, phối hợp liên ngành, liên thông còn hạn chế, chưa nhận diện được mô hình mới, cách làm mới", đại biểu Tạ Văn Hạ nêu.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng nhấn mạnh, theo tinh thần mới của luật, rất cần một "nhạc trưởng" có nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn để kết nối, tích hợp các quy hoạch nhưng hiện chưa có.
Do đó, đại biểu đề nghị cần phải bình tĩnh để tìm cho đúng nguyên nhân tại sao cứ "sửa miết, sửa hoài" như vậy mà vẫn vướng, để từ đó chỉnh sửa cho thực sự căn bản thì mới giải quyết được vấn đề về bài toán quy hoạch.
Không thể dừng Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch
Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói việc dừng Luật Đấu thầu và Quy hoạch là "không được, nếu không kiểm soát được sẽ hỗn loạn ngay".
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. |
Theo Bộ trưởng, tất cả các quốc gia trên thế giới đều có Luật Đấu thầu. Khi đã sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng ngân sách là phải có Luật Đấu thầu.
Bộ trưởng cho rằng, điều gì chưa phù hợp hoặc không phù hợp trong luật thì phải cầu thị, phải điều chỉnh, phải xây dựng để có thể thực hiện được. Một đất nước thì phải có luật và phải có quy hoạch.
"Nếu bây giờ chúng ta dừng Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu thì Chính phủ có điều hành được không, các địa phương có triển khai được không", Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói.
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, lần sửa luật này rất quan trọng nhằm kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách, cấp thiết cần phải xử lý ngay, nhất là những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
"Nếu không sửa đợt này thì từ ngày 1/7, các tỉnh hoạt động theo mô hình mới, tất cả việc triển khai các dự án ở dưới địa phương sẽ không làm được. Đó là lý do phải gấp rút sửa luật này. Cái gì cần thì giữ, cái gì không cần giữ thì chúng ta mạnh dạn bỏ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu.
Tin liên quan
Đọc thêm

Thu hồi hơn 43ha đất của Công ty Cổ phần Đồng Tâm miền Bắc

Triển khai cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng làm Trưởng Ban chỉ đạo hợp nhất tỉnh

TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến về việc đổi tên khu phố, ấp

Dừng tàu gần 1 giờ, Metro Hà Nội trở lại hoạt động bình thường

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất tại huyện Thạch Thất

Điều chỉnh, bổ sung 17 công trình, dự án tại quận Tây Hồ

Điều chỉnh hình thức sử dụng đất đấu giá tại Đông Anh

Tiết kiệm điện hiệu quả bắt đầu từ nơi công sở
