Trách nhiệm nhà giáo trên hành trình sẻ chia, nâng tầm giáo dục
Đó là những nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đánh giá, tổng kết phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025, sáng 6/5.
Sự khởi đầu từ những niềm trăn trở
Thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.914 đơn vị trường học, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, gần 2,3 triệu học sinh, hơn 128.000 giáo viên.
Năm 2022, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, sự nghiệp GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
![]() |
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, bên cạnh những những kết quả đã đạt được, điều khiến những người làm công tác quản lý giáo dục của Thủ đô luôn băn khoăn, trăn trở là: Chất lượng, khoảng cách giáo dục tại các trường ở ngoại thành và nội thành còn nhiều chênh lệch.
Với quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương, để khắc phục hạn chế, thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành Hà Nội, Sở GD&ĐT đã ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch số 4340 ngày 12/12/2022 về phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025; coi đây là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm thực hiện rộng rãi trong toàn ngành.
Từ một ngôi trường ngoại thành xa xôi nhất của Thủ đô Hà Nội, Trường Tiểu học Khánh Thượng, huyện Ba Vì, đã có nhiều đổi thay từ khi tham gia phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, học sinh Trường Tiểu học Khánh Thượng chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao. Cách đây không lâu, khi nhắc tới việc triển khai dạy một chuyên đề để đồng nghiệp trong huyện dự không ít thầy cô e ngại, thiếu tự tin; còn học sinh thì nhút nhát, rụt rè.
Từ sự hỗ trợ của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, trong suốt hơn 1 năm, cô Phạm Ngọc Anh - Trường Tiểu học Kim Đồng đều đặn 2 ngày/tuần trực tiếp đến Trường Tiểu học Khánh Thượng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Sự kiên trì nỗ lực ấy của cô giáo Phạm Ngọc Anh đã góp phần không nhỏ làm thay đổi thầy, cô giáo và học sinh nơi đây.
Chất lượng giáo dục ở từng nhà trường đều có chuyển biến tích cực; thầy, trò tự tin, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động hơn. Đây là minh chứng trong số nhiều minh chứng cho việc triển khai hiệu quả phong trào ở 110 trường học thuộc huyện Ba Vì.
![]() |
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia" trách nhiệm giai đoạn 2022 - 2025 |
Chia sẻ về hành trình kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với một số trường khu vực ngoại thành trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, nhà giáo Nguyễn Phương Lan - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình cho biết, nhà trường bắt đầu từ sự chung tay sẻ chia, gắn kết nội lực đội ngũ từ chính mỗi giờ dạy.
Thông qua phong trào “Đồng hành trong từng tiết dạy”, nhà trường xây dựng văn hóa dự giờ để đồng nghiệp học hỏi lẫn nhau với tinh thần vì một giờ dạy tốt hơn và vì sự tiến bộ của học sinh. Mô hình này ngày càng được nhân rộng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho đội ngũ nhà giáo khi triển khai các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đến nay, nhà trường có 18 nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”. Mỗi thầy, cô giáo của trường tự nguyện phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ ngày 15/3 đến nay, có 38 thầy, cô giáo tự nguyện hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 12 hoàn toàn miễn phí ở 10 môn, lộ trình thực hiện đến ngày 22/6.
Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình còn có nhiều hoạt động kết nối với một số trường ở các huyện như Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì), Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa)…
Tăng trách nhiệm, giảm khoảng cách
Sau 3 năm triển khai, theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, phong trào đã góp phần đáng kể khắc phục chênh lệch giáo dục giữa các quận và các huyện ngoại thành.
![]() |
Qua 3 năm triển khai, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi ở các nhà trường, tạo nên chuyển biến rõ rệt thu hẹp khoảng cách trong chất lượng giáo dục ở các trường học nội - ngoại thành |
Hơn 1.200 cơ sở giáo dục đã ký kết giao ước liên kết; hơn 2.000 hoạt động chuyên môn, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức, gần 150.000 lượt giáo viên tham gia chia sẻ và học tập lẫn nhau. Phong trào không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học mà còn khơi dậy mạnh mẽ tinh thần sẻ chia, đoàn kết trong toàn ngành.
Phong trào đã mang lại những kết quả thiết thực trong việc hỗ trợ học sinh khó khăn, hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn, tạo điều kiện học tập bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh. Hàng trăm suất học bổng; hàng nghìn cuốn sách, vở, thiết bị học tập, lớp học miễn phí đã được trao tặng. Nhiều hoạt động kết nghĩa, kết nối nội - ngoại thành, công lập - ngoài công lập đã tạo nên hệ sinh thái giáo dục nhân văn và bền vững.
Ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các nhà trường, từng nhà giáo trong triển khai, lan toả phong trào, tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các Phòng GD&ĐT, các đơn vị, cơ sở giáo dục đưa phong trào trở thành nội dung trong đánh giá thi đua - khen thưởng hàng năm; xác lập phong trào như một tiêu chí chính thức phản ánh hiệu quả hoạt động giáo dục của từng đơn vị.
Bên cạnh đó, các trường cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối chuyên môn, đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn liên trường, liên quận, huyện, theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; nhân rộng các mô hình đỡ đầu học sinh khó khăn, tổ chức lớp học miễn phí, hỗ trợ thiết bị, học bổng và phương tiện học tập cho học sinh yếu thế.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu học sinh - giáo viên giữa các trường nội - ngoại thành, tạo cơ hội học tập, trải nghiệm và gắn kết; lồng ghép phong trào vào các trong các chương trình, hoạt động lớn của ngành như: Trường học xanh - an toàn - hạnh phúc, phát triển giáo dục thể chất, thẩm mỹ và giáo dục kỹ năng sống; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn ngành GD&ĐT Thủ đô.
Sau 3 năm triển khai phong trào, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,81% - cao nhất từ trước đến nay, tăng 0,24% so với năm học trước, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố - tăng 17 bậc so với năm 2022. Trong đó, nhiều trường vùng khó khăn, lần đầu tiên đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%. Giáo dục mũi nhọn Thủ đô giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước. Từ năm học 2022 đến nay, học sinh Hà Nội đã đoạt tổng cộng hơn 500 giải quốc gia, trong đó có 32 giải Nhất; gần 30 huy chương và giải thưởng quốc tế, đặc biệt là những tấm huy chương Vàng Olympic các môn: Hóa học, Sinh học, Toán học và các giải cao tại ISEF, Robot quốc tế, Olympic khu vực. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Khi họp phụ huynh không còn là “nỗi sợ”...

Giao gần 14.000 chỉ tiêu học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên

Quảng Nam tạo bước đột phá mạnh mẽ cho giáo dục

Dự kiến đưa tiếng Nhật vào dạy học sinh từ lớp 3 - 12

Các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Hà Nội vinh danh học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật quốc gia

Áp lực mùa thi từ gia đình: Gió ngược trên đường chạy nước rút

Đường dây nóng hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội

Ngày 15/5, công bố tỷ lệ "chọi" vào lớp 10 công lập
