Học tủ, học vẹt, luyện đề: Những "lối mòn" ôn thi cần thay đổi
Khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ số ôn thi tốt nghiệp THPT “Mùa thi hạnh phúc”, “Bí kíp ôn thi” sẽ có trong Chiến dịch hè |
Khi kiến thức trở thành cuộc chơi “đoán đề”...
Không còn là chuyện cá biệt, tình trạng học sinh cấp 2 và cấp 3 học tủ theo kiểu “đoán đề trúng đích” đã trở thành một xu hướng phổ biến ở nhiều trường học. Việc chia sẻ đề cương "đoán đúng 80%" hay những buổi học thêm tập trung vào một vài chuyên đề có xác suất cao rơi vào đề thi đang khiến không ít học sinh tin rằng ôn thi là một trò chơi xác suất hơn là hành trình trang bị toàn diện kiến thức.
![]() |
Có rất nhiều “bí kíp” được đăng tải với nội dung “khoanh lụi”, “bách phát bách trúng” hay “học không giỏi thì mình lụi” trên mạng xã hội |
Thực tế, nhiều học sinh khi được hỏi đều thừa nhận mình học có chọn lọc để tiết kiệm thời gian. Thay vì ôn trải đều kiến thức cả năm học, các em chỉ tìm đến những phần trọng tâm, thường ra đề và phó mặc phần còn lại. Đáng nói, không ít giáo viên, trung tâm luyện thi cũng đẩy mạnh xu hướng này bằng các gói “luyện đề theo cấu trúc dự đoán”, “chinh phục đề thi trong 7 ngày”...
Hệ quả là khi đề thi có sự thay đổi về cách ra đề, nội dung không nằm trong vùng được khoanh, nhiều em rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng. Những kiến thức từng được học qua loa trở thành lỗ hổng khiến học sinh mất điểm đáng tiếc. Cách học đoán đề này cũng khiến việc tiếp thu kiến thức trở nên hời hợt, thiếu nền tảng, và đặc biệt không giúp ích nhiều cho giai đoạn học tiếp theo hoặc khi bước vào thực tiễn cuộc sống.
![]() |
Học tủ, học vẹt chỉ mang lại cảm giác an toàn tạm thời nhưng về lâu dài khiến học sinh bị động và dễ thất bại khi đề thi có yếu tố mới lạ |
Trần Hùng Dũng, học sinh lớp 10, trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Có bạn lười học trong quá trình trên lớp, song tới sát ngày thi thì chăm chăm học thuộc đề cương. Đến gần kỳ thi, các bạn thường truyền tai nhau cách khoanh lụi nhưng em thấy đó chỉ là cách làm đối với những câu quá sức, chứ mình không thể phụ thuộc vào việc khoanh lụi”.
Bên cạnh đó, việc quá phụ thuộc vào luyện đề cấp tốc cũng dẫn đến ảo tưởng về khả năng làm bài. Khi làm đề dựa vào ghi nhớ máy móc hoặc các mẹo giải nhanh, học sinh có thể đạt điểm tốt trong một số đề thử nhưng lại không có kỹ năng xử lý khi gặp câu hỏi mới, lạ hoặc tích hợp kiến thức. Điều này khiến việc đánh giá năng lực thực tế bị sai lệch, ảnh hưởng đến định hướng học tập dài hạn.
Học để hiểu, không phải "học vẹt"
Việc đổi mới giáo dục và định hướng thi cử hiện nay đang dần xóa bỏ tư duy học để thi. Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức thuộc lòng mà còn đánh giá năng lực vận dụng, phân tích, tư duy phản biện. Vì vậy, những phương pháp học đối phó như học tủ, học vẹt đang dần trở nên lạc hậu và thiếu hiệu quả.
Bày tỏ về cách học tủ của nhiều học sinh hiện nay, cô Lê Thu Hà,giáo viên lớp 12, trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên) cho biết: “Học sinh cần học toàn diện và chủ động. Học để hiểu, học để biết cách liên hệ, suy luận, chứ không thể chỉ học thuộc lòng rồi hy vọng trúng đề. Tư duy học như vậy sẽ rất rủi ro, nhất là trong bối cảnh đề thi đổi mới liên tục".
![]() |
Nhiều giáo viên cho rằng, tình trạng học sinh học vẹt, học thuộc văn mẫu là hệ quả của tư duy học để thi, không phải học để hiểu |
Đồng quan điểm với nhiều giáo viên, thầy Nguyễn Xuân Cảnh, giáo viên trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì) chia sẻ: “Giáo viên cần hướng dẫn, khơi gợi cho học sinh cách tự học, ôn tập thay vì chăm chăm soạn đề cương, bài mẫu để các em học theo”.
Nhiều trường học hiện đã triển khai các mô hình học tích cực: Chia nhóm thảo luận, ôn tập, học theo dự án, hướng dẫn học sinh tự làm sơ đồ tư duy, ghi chú thông minh thay vì chép lại bài mẫu. Những thay đổi này bước đầu tạo sự chủ động cho học sinh, giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu và phản ứng tốt với các dạng đề lạ.
Bạn Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 12, trường THPT Cầu Giấy chia sẻ: “Em từng học thuộc bài mẫu nhưng khi đề thi hỏi khác đi là em bí. Từ đó, em học bằng cách đọc hiểu, tóm tắt ý chính, rồi luyện viết theo cách của mình. Lúc đầu khó hơn nhưng sau thấy nhớ kỹ hơn và tự tin hơn khi đi thi".
Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt học sinh thoát khỏi lối mòn học tủ. Việc xây dựng kế hoạch ôn thi có trọng tâm nhưng không thiên lệch; luyện đề có chọn lọc, kết hợp chữa bài chi tiết, giải thích rõ cách làm… giúp học sinh học sâu và phản xạ tốt hơn trong bài thi thực tế.
![]() |
Những cách học tủ, học vẹt không chỉ phản ánh lối tư duy thi cử nặng nề mà còn bộc lộ rõ sự lệch pha giữa cách học của học sinh và định hướng giáo dục đổi mới |
Chuyển từ học đối phó sang học chủ động là một quá trình không đơn giản, vì thói quen học tủ, học vẹt đã ăn sâu trong nhận thức của nhiều thế hệ học sinh và cả phụ huynh. Tuy nhiên, đây là bước chuyển bắt buộc nếu muốn học sinh thật sự làm chủ tri thức và thích nghi với xu hướng giáo dục hiện đại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang thay đổi trong cách ra đề thi, với yêu cầu ngày càng cao về năng lực tư duy, vận dụng thực tế. Đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây đã giảm mạnh các câu hỏi mang tính học thuộc, tăng câu hỏi vận dụng, phân loại. Điều này đòi hỏi học sinh phải học chắc, hiểu sâu, luyện tập có chiến lược thay vì chạy theo số lượng.
Về phía phụ huynh, cần thay đổi góc nhìn từ điểm số sang năng lực thực sự. Hỗ trợ con lập kế hoạch học tập hiệu quả, nghỉ ngơi hợp lý, tạo điều kiện phát triển kỹ năng mềm, khả năng tư duy – đó mới là cách đồng hành đúng đắn trong mùa thi.
Học không phải để thi xong rồi quên. Học là để có kiến thức làm nền tảng cho cuộc sống, nghề nghiệp và sự phát triển lâu dài. Muốn vậy, học sinh cần được dẫn dắt để thoát khỏi những lối mòn ôn thi đối phó, bước vào hành trình học tập chủ động, sâu sắc và bền vững hơn.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Thi tài tiếng Anh, cán bộ trẻ “rinh” nhiều phần thưởng hấp dẫn

Phú Yên thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Góp sức trẻ hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng

Cơ hội và tương lai phát triển bền vững cho người trẻ

Một tay lái, một tay điện thoại: Cái giá có thể là sinh mạng

Xu hướng làm việc linh hoạt trong Gen Z

500 thiếu nhi xuất sắc tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

Lan tỏa nghị lực sống, truyền cảm hứng từ những con người phi thường

Bác sĩ trẻ và những sáng kiến vì cộng đồng
